Việt Nam - Một quốc gia biển trách nhiệm, chủ động và bền vững

02:42 | 27/05/2025
Chủ đề 'Công nghệ xanh để đại dương bền vững' của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam nhằm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển bền vững.
Việt Nam - Một quốc gia biển trách nhiệm, chủ động và bền vững

Lá cờ Tổ quốc tung bay tại khu vực đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa, tháng 4/2023.

Việt Nam là quốc gia biển, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với diện tích gấp 3 lần diện tích đất liền với hàng nghìn đảo lớn, nhỏ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bờ biển trải dài trên 3.260 km với 114 cửa sông đổ ra biển, nhiều vũng, vịnh, bãi triều... biển Việt Nam đa dạng, phong phú về tài nguyên sinh vật, phi sinh vật và các hệ sinh thái đặc trưng. Trong đó, có nhiều tài nguyên nổi trội như dầu khí và khoáng sản, năng lượng tái tạo, hải sản, cảnh quan thiên nhiên.

Những yếu tố này đã tạo ra những điều kiện, tiềm năng lớn để Việt Nam phát triển nhiều ngành kinh tế biển quan trọng, mang lại giá trị cao như vận tải biển, du lịch biển, khai thác dầu khí, khoáng sản và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản...

Bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển kinh tế biển bền vững

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý môi trường biển, thể hiện qua hệ thống chính sách toàn diện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng.

Đảng và Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế biển theo hướng xanh.

Theo đó một trong 5 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: “Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...”. Chiến lược đã chỉ ra một trong những giải pháp chủ yếu phải thực hiện là hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển. Chiến lược yêu cầu phải rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hoà, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; khẩn trương xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường 2020 siết chặt quy định về kiểm soát nguồn thải từ đất liền và trên biển, nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đẩy mạnh việc thiết lập hệ thống quan trắc môi trường biển, giúp giám sát chất lượng nước theo thời gian thực và cảnh báo sớm nguy cơ ô nhiễm.

Trên cơ sở đó, Việt Nam triển khai các hành động cụ thể trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển, phục hồi rạn san hô và hệ sinh thái biển.

Việt Nam còn mở rộng các khu bảo tồn biển, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc tham gia các công ước quan trọng như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra (Marpol) 73/78. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, vừa bảo vệ môi trường vừa bảo đảm phát triển kinh tế lâu dài.

Nỗ lực phát triển kinh tế biển bền vững của Việt Nam thể hiện qua việc triển khai Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với 6 lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch - dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, năng lượng tái tạo biển và phát triển đô thị ven biển. Qua đó, thúc đẩy hình ảnh Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong các lĩnh vực như cảng biển xanh, điện gió ngoài khơi, du lịch biển sinh thái.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Việt Nam chủ động tham gia các diễn đàn biển khu vực và quốc tế như ASEAN, Diễn đàn Kinh tế biển Đông Á (EASBF), Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc (UNOC) và các sáng kiến toàn cầu về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ đa dạng sinh học biển. Tại các diễn đàn, Việt Nam đều thể hiện tinh thần ngoại giao biển hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích chung của nhân loại.

Việt Nam - một quốc gia biển trách nhiệm, chủ động và bền vững

Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

Trách nhiệm cấp bách

Mặc dù vậy, thời gian qua, dưới áp lực phát triển kinh tế-xã hội và nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho môi trường biển Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: Suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; ô nhiễm môi trường biển ven bờ; sự cố môi trường biển.

Chất thải rắn sinh hoạt ngày càng gia tăng từ các nguồn thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch, sinh hoạt, y tế… gây ô nhiễm trên diện rộng ở các vùng bờ biển.

Các hệ sinh thái vùng bờ bị suy giảm, nhất là các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Trong 15 năm trở lại đây, khoảng từ 15% đến 20% diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long đã làm suy giảm đa dạng sinh học và chất lượng môi trường biển; làm mất sinh kế của cộng đồng vùng ven biển, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch biển, thủy sản.

Chính vì vậy, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra từ ngày 1-8/6, cũng như Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm nay là cơ hội để tất cả mọi người cùng khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái.

Trong thời đại của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ xanh vào công tác bảo vệ môi trường biển được coi là giải pháp trọng tâm trong giải quyết ô nhiễm môi trường biển. Chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững” của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025 nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển.

Rõ ràng, việc bảo vệ môi trường biển không còn là lựa chọn, mà là trách nhiệm cấp bách để giữ gìn đại dương, tài sản vô giá của dân tộc và nhân loại. Trong bối cảnh kinh tế biển được xác định là một trong những trụ cột phát triển quốc gia, việc ứng dụng công nghệ xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác quốc tế là hướng đi tất yếu để hiện thực hóa tầm nhìn đại dương bền vững. Tất cả mọi người cần nhận thức được rằng, mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần bảo vệ màu xanh của biển cả cho muôn đời sau.

Hy vọng rằng, những hoạt động cụ thể, thiết thực trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2025 cũng như tinh thần "đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh" của mỗi người dân sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam - một quốc gia biển trách nhiệm, chủ động và bền vững.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam