Đưa tinh hoa của phở Việt vươn xa

03:43 | 31/03/2025
Sau thành công của Festival Phở năm 2024 tại Nam Định, tháng 4 năm nay, sự kiện này sẽ tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội, mong chờ lan tỏa những giá trị ẩm thực, văn hóa Việt Nam trong hơi thở ký ức và dấu ấn thời đại.
Đưa tinh hoa của phở Việt vươn xa
Các nghệ nhân chuẩn bị phở cho khách tại Festival Phở 2024. (Ảnh ND)
 
Phở, cái tên giản dị nhưng lại gợi lên bao ký ức sâu lắng trong lòng mỗi người Việt. Đó là kỷ niệm tuổi thơ với những lần xếp hàng dài bên gánh phở rong nghi ngút khói, nắng mưa gì cũng đợi chờ bằng được. Ai đã rời xa quê hương, đất nước, hẳn không thể quên cảm giác nôn nao, nhung nhớ để rồi sau những chuyến bay dài, qua bao nhiêu vùng đất, quay cuồng với công việc, thời gian vẫn bồi hồi trước bát phở nóng hổi đợi chờ sau cánh cửa sân bay. Với người Hà Nội, phở là một phần văn hóa, một niềm thân thuộc.
 
Phở Việt được ví như bản hòa tấu của lịch sử, địa lý và văn hóa qua hành trình đi qua bao miền đất, gom nhặt những gì tinh túy nhất để tạo nên một biểu tượng, từ những gia vị mang hương thơm của núi rừng Tây Bắc (hoa hồi, quế, thảo quả...) cho tới sản vật vị biển (nước mắm, sá sùng…). Đó là sự tinh tế của Phở thể hiện qua sự kết hợp hoàn hảo giữa các nguyên liệu và gia vị.
 
Đặc biệt, để có một nồi nước dùng phở hấp dẫn, đúng với hương vị xưa, theo nghệ nhân Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định-Phó Chi hội trưởng Chi hội Nước mắm tỉnh Nam Định, bí quyết ấy chính là thêm nước mắm. Còn với nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Lê Tân thì nước mắm có vai trò nâng tầm, bạn “đồng liêu” của phở, có vai trò quan trọng trong việc tạo nên hương vị đặc trưng, khó quên.
 
Người Việt sử dụng nước mắm trong phở một cách tinh tế và linh hoạt, người nấu sẽ nêm nếm từ từ, điều chỉnh lượng nước mắm sao cho vừa miệng, hòa quyện với các gia vị khác như quế, hồi, thảo quả... tạo nên một nồi nước dùng hoàn hảo, tròn vị. Bên cạnh sử dụng vào nước dùng, nước mắm còn để ướp thịt bò trước khi chế biến. Sự đa dạng trong cách sử dụng nước mắm đã tạo nên sự phong phú cho phở Việt, đồng thời thể hiện sự sáng tạo và tinh tế của người Việt trong việc chế biến món ăn này.
 
Theo các chuyên gia ẩm thực, phở không khởi nguồn từ nơi sang trọng mà xuất xứ bình dân, trên những con phố nhỏ, nơi gánh phở rong tỏa hương thơm ấm nồng trong buổi sáng mùa đông se lạnh. Dù đi đến đâu, dù được nấu theo công thức nào, phở Việt vẫn luôn là sự giao thoa của cả một dân tộc, từ núi rừng đến biển cả, từ Bắc vào Nam, hòa quyện trong tâm hồn, tình yêu và khát vọng. Phở Hà Nội thanh tao, phở Nam Định đậm đà, phở Sài Gòn biến tấu phong phú…, tất cả góp vào bản đồ phở đa sắc, phản chiếu văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền và của đất nước.
 
Quan trọng hơn, phở đã và đang vươn ra thế giới. Các quán phở của người Việt ở Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản... là điểm kết nối bao người con xa xứ luôn bâng khuâng, trăn trở nhớ mong, cũng là điểm dừng chân hấp dẫn níu chân thực khách yêu ẩm thực. Hương vị phở là lời giới thiệu thực tế mà tinh tế nhất về văn hóa Việt Nam với thế giới.
 
Nhạc trưởng Lê Phi Phi hồi tưởng, từ bé anh đã đi sơ tán, không thể có phở mà ăn. Sau này, học tập rồi định cư ở nước ngoài, những lần hiếm hoi trở về Việt Nam, được ăn phở cùng cha là nhạc sĩ Hoàng Vân và mẹ là bác sĩ Ngọc Anh hay ở bất cứ quốc gia nào anh biểu diễn, khi thưởng thức, không bao giờ anh quên cho vào mấy giọt nước mắm để hương vị đậm đà hơn. Con trai anh, dù mang hai dòng máu Việt Nam và Macedonia nhưng vẫn có thói quen như cha mình.
 
Những năm gần đây, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh du lịch văn hóa-ẩm thực, trong đó những món ăn truyền thống đã thành điểm nhấn của hành trình khám phá cho du khách. Những “phố phở” tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định… hay tour du lịch ẩm thực ở Hội An, Huế, Đà Nẵng… đều giúp du khách có cơ hội thưởng thức phở ở những không gian khác nhau.
 
Bên cạnh thưởng thức, du lịch ẩm thực còn mở ra nhiều trải nghiệm sâu sắc. Du khách hào hứng khám phá từng ngõ nhỏ Hà Nội với nếp sống phố phường đậm đà bản sắc; làng nghề làm bánh phở truyền thống ở Nam Định; xem nghệ nhân nấu phở tại quán gia truyền lâu đời; tham gia các lớp học nấu phở để mang hương vị Việt về quê hương, đất nước mình...
 
Những yếu tố thú vị này vừa giúp nâng tầm phở, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, phở Việt thực sự đã vượt qua không gian quán ăn truyền thống, xuất hiện trên thực đơn của nhiều nhà hàng quốc tế, được vinh danh tại các bảng xếp hạng ẩm thực thế giới.
 
Thương hiệu phở Việt trên thế giới đã góp phần giúp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trở nên thân thương, quen thuộc hơn, thôi thúc du khách đến để chiêm ngưỡng phong cảnh, khám phá di sản, thưởng thức một bát phở chính hiệu. Một món ăn trở thành động lực kéo du khách đến một vùng đất, đó chính là thành công lớn nhất của du lịch ẩm thực.

Nguồn: Nhân dân