Phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong thời kỳ hội nhập
Khai màn chuỗi hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam tại Liên bang Nga.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với xu thế hợp tác, hòa bình thì việc sử dụng sức mạnh mềm để nâng cao uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày càng được coi trọng. Trong đó, câu chuyện phát triển sức mạnh mềm văn hóa được đặc biệt quan tâm. Thậm chí sức mạnh mềm văn hóa đang là nhân tố cơ bản tăng sức cạnh tranh giữa các quốc gia, chi phối các yếu tố chính trị, kinh tế cũng như chính sách ngoại giao của từng quốc gia.
Một chương trình biểu diễn văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia đặt phát triển văn hóa thành một trong những chính sách trọng điểm của Nhà nước. |
1. Sức mạnh mềm là khái niệm được Giáo sư người Mỹ Joseph Nye đưa ra đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, được hiểu là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác tự nguyện thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mà mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự.
Cũng trong hệ thống lý luận sức mạnh mềm của Joseph Nye thì sức mạnh mềm văn hóa là một loại sức mạnh mềm có sức hấp dẫn, thu phục, khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác bằng các giá trị văn hóa tinh thần, hệ tư tưởng được thực hiện thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của quốc gia đó trong quan hệ quốc tế.
Sức mạnh mềm văn hóa ngầm được hiểu như một loại quyền lực hoặc một thực lực quy định hành vi của chủ thể truyền bá tới đối tượng tiếp nhận thông qua phương thức truyền bá không mang tính cưỡng chế như sức mạnh cứng.
Nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, nhiều nước đã sớm thành công trong phát triển sức mạnh mềm văn hóa, đưa hình ảnh quốc gia trở nên hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Mỹ là một ví dụ điển hình nhất trong việc sử dụng văn hóa như một quyền lực nhằm gia tăng vị thế, ảnh hưởng đối với thế giới thông qua ngành công nghiệp giải trí như âm nhạc, điện ảnh.
Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc là nước dành nhiều nguồn lực cho phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành một ngành công nghiệp gắn với các mục tiêu chính trị, đối ngoại. Chỉ trong vài chục năm, hình ảnh đất nước Hàn Quốc đã lan tỏa rộng khắp trong khu vực và trên cả thế giới. Hai ngành công nghiệp lớn mạnh nhất trong văn hóa Hàn Quốc chính là điện ảnh và âm nhạc.
Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, Hàn Quốc nâng cao được vị thế của mình và chứng minh sức hấp dẫn của văn hóa xứ sở kim chi. Các nước như Pháp, Italy, Nhật, Trung Quốc, Singapore... đều là các quốc gia coi trọng yếu tố văn hóa, xem văn hóa là chiếc cầu nối hữu hiệu để quáng bá sức mạnh, vị thế, hình ảnh dân tộc đến với bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu trong chuyến tham quan Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tháng 4/2024. |
2. Đối với Việt Nam, sức mạnh mềm của văn hóa được hiểu là khả năng phát huy các giá trị văn hóa vật chất cũng như tinh thần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, giúp lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc đến với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, sức mạnh mềm văn hóa thể hiện ở hình ảnh một dân tộc có tinh thần yêu nước quật cường, các giá trị của lòng vị tha, tinh thần đùm bọc, khoan dung giàu sức thuyết phục. Tinh thần và lối ứng xử này đã được đúc kết trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Hiện nay, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam còn nằm trong sự nhạy bén, dễ dàng hội nhập, thích nghi và tiếp thu có chọn lọc những cái mới từ các nền văn hóa khác.
Cha đẻ của học thuyết “sức mạnh mềm”, Giáo sư Joseph Nye khi tới Việt Nam đã nhận định: Những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, văn hóa Việt Nam luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây.
Không chỉ các giá trị tinh thần, văn hóa Việt Nam còn thể hiện phong phú ở một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh độc đáo tạo ra một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 10 di sản tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, ba công viên địa chất toàn cầu, 9 khu ramsar được UNESCO công nhận và ghi danh.
Cả nước có khoảng 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3633 di tích quốc gia, 571 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 294 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Ngoài ra, chúng ta còn có 200 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 73 bảo tàng ngoài công lập, trong đó lưu trữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật đặc biệt quí hiếm.
Hiện nay, cả nước có gần 2000 nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú nắm giữ các tinh hoa cũng như bí quyết thực hành các loại hình di sản văn hóa. Đây có thể nói là nguồn tài nguyên vô tận, phong phú làm nền tảng phát huy sức mạnh mềm văn hóa, làm cho văn hóa Việt có sức ảnh hưởng, hấp dẫn.
Ngày 9/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”. |
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hóa để thực sự là đột phá phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế”. Chiến lược phát triển văn hóa tầm nhìn 2030 của Chính phủ cũng nêu rõ mục tiêu: “Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP”. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc Tháng 11/2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”.
Trong những năm trở lại đây, văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương đổi mới, chủ động mở cửa hợp tác văn hóa với nhiều nước, mở cửa thị trường văn hóa, thay đổi tư duy của nhà quản lý và người dân về phát triển văn hóa, đa dạng hóa các hình thức ngoại giao văn hóa…Văn hóa Việt Nam có sự lan tỏa mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận, so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam còn hạn chế. Chúng ta chưa tận dụng hết những tiềm năng và thế mạnh của văn hóa trong phát triển đất nước. Nền công nghiệp văn hóa mới chỉ bắt đầu, chưa rõ nét và còn nhiều bất cập.
3. Chúng ta đã có chiến lược phát triển văn hóa, với những mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, để phát triển sức mạnh mềm văn hóa cần phải có một quá trình và cần phải hiện thực hóa tốt hơn về mọi mặt. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hóa, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Hai là, cần được đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lý luận, tổng kết thực tiễn cũng, từ đó tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc hoàn thiện các chủ trương đường lối về phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Ba là, gắn chặt phát triển văn hóa với bảo vệ an ninh quốc gia thông qua ngoại giao văn hóa, để tăng sức hút của văn hóa Việt Nam nhằm cảm hóa, tạo ra các mối quan hệ quốc tế thân thiện, gần gũi, từ đó nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bốn là, cần có chính sách hợp lý với kiều bào để mỗi người Việt ở nước ngoài trở thành một cây cầu nối văn hóa, giúp quảng bá rộng rãi, sâu sắc các giá trị văn hóa để thu hút các tổ chức, cá nhân người nước ngoài đến công tác, làm ăn, du lịch, định cư tại Việt Nam, làm cho các giá trị văn hóa Việt ngày càng được phổ biến, lan tỏa trong cộng đồng quốc tế. Đây là cách sử dụng sức mạnh mềm văn hóa trong gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa các nguy cơ mất ổn định chính trị.
Với lợi thế của một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế từ quá khứ đến hôm nay, việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa là một chiến lươc đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu xây dựng, phát triển, bảo vệ tổ quốc. Các giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang là nguồn lực và động lực to lớn để phát triển đất nước.
Các tin bài khác