PTL" Ngày chúng ta đang sống"- BTV Trần Xuân" Đôi lúc tôi đã khóc, đã muốn dừng lại khi thực hiện bộ phim này"

11:45 | 02/05/2020
Trước khi bộ phim tài liệu "Ngày chúng ta đang sống" được phát sóng, tôi đã có dịp được trò chuyện với BTV Trần Xuân, là biên kịch và cũng là đạo diễn của bộ phim.
PTL
Hậu trường thực hiện phim tài liệu "Ngày chúng ta đang sống"
Khi nói về bộ phim tài liệu này, nữ biên tập viên hiện đang công tác tại Ban Truyền hình đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ chị cảm thấy vô cùng may mắn khi có cơ hội được lắng nghe câu chuyện của những người Việt đã kiên cường chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 ở nước ngoài.
 
Thời gian thực hiện không có nhiều, áp lực đi tác nghiệp trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng và phức tạp là không ít, thế nhưng, vượt qua những trở ngại, khó khăn đó, BTV Trần Xuân và các đồng nghiệp trong ê-kíp sản xuất hy vọng thông qua bộ phim này, khán giả có cơ hội được xem, được nghe những câu chuyện về người Việt đồng hương của mình đã rất kiên cường chiến đấu trong đại dịch Covid-19 khi đang ở những mảnh đất xa quê hương đến nửa vòng Trái đất.
Dù chưa xem bộ phim và mới chỉ đọc kịch bản nhưng tôi thực sự xúc động với những câu chuyện được kể trong phim. Là biên kịch và cũng là đạo diễn của phim, ý tưởng thực hiện bộ phim này của chị bắt nguồn từ đâu?
 
- BTV Trần Xuân: Ý tưởng để thực hiện phim tài liệu Ngày chúng ta đang sống xuất phát từ những chia sẻ của những người Việt dương tính với COVID-19 tại nước ngoài đang tự chiến đấu và chống chọi với dịch bệnh. Khác với Việt Nam, ở nhiều quốc gia nơi dịch bùng phát mạnh mẽ như Mỹ, Ý, Pháp… các bệnh nhân COVID-19 được khuyến khích tự điều trị và theo dõi tại nhà bởi số bệnh nhân quá đông và bệnh viện thì quá tải.
 
Trong đó có những ca bệnh là những người Việt. Đặc biệt, họ lại ở một mình, xa gia đình, xa quê hương, tự mình chống chọi với bệnh tật. Điều đó lại càng khó khăn. Chiến đấu với COVID-19 không đơn thuần là chiến đấu với dịch bệnh mà còn với cả cuộc khủng hoảng trong tâm trí, là nỗi sợ với virus vô hình đâu đó trong lồng ngực có thể giết chết mình bất cứ lúc nào.
 
Từ những câu chuyện như thế, tôi và các đồng nghiệp đã nhen nhóm ý tưởng thực hiện phim tài liệu Ngày chúng ta đang sống.
 
Vì sao chị lại chọn tựa đề này cho phim?
 
- BTV Trần Xuân: Tựa đề Ngày chúng ta đang sống thể hiện khát vọng sống, là niềm tin, lạc quan vào cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và thậm chí đôi khi cái chết vẫn chưa phải là hết. Phim kể về những câu chuyện đặc biệt của những người Việt ở nước ngoài đã và đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Bộ phim này chị mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành? Thách thức nhất của chị trong vai trò viết kịch bản và đạo diễn trong phim tài liệu này là gì?
 
- BTV Trần Xuân: Phim tài liệu Ngày chúng ta đang sống được nhen nhóm ý tưởng từ những ngày giữa tháng 3, khi mà dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Vì thời gian gấp gáp để sản xuất cho kịp thời điểm, mang tính thời sự trong bối cảnh dịch bệnh nên ê-kíp chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm.
 
Thách thức lớn nhất đối với tôi trong việc viết kịch bản và đạo diễn đó là tái hiện trọn vẹn cảm xúc nhân vật đã trải qua suốt chặng đường những ngày chiến đấu với COVID-19. Việc khắc hoạ diễn biến nội tâm nhân vật – một cảm xúc vô hình bằng ngôn ngữ hình ảnh là điều rất khó trong bối cảnh chúng tôi không thể đến tận nơi tác nghiệp.
 
Ngoài ra việc liên kết câu chuyện các nhân vật ở các quốc gia khác nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện, một nút thắt và cách giải quyết khác nhau. Làm sao đặt họ vào cùng một tổng thế hài hoà là một bài toán khó.
 
Khi bắt tay vào xây dựng kịch bản, tôi đã phải vẽ, viết trên giấy để phác thảo từng câu chuyện và ráp nối các tình tiết lại với nhau để có thể dẫn dắt và truyền đạt từng cung bậc cảm xúc của nhân vật trong từng giai đoạn.
Các nhân vật trong phim đều là những người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Điều đặc biệt ở đây họ đều là những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19, có thể là bệnh nhân, bác sĩ hay gia đình, bạn bè của họ. 
 
Quá trình tìm kiếm nhân vật, tiếp cận, liên lạc, thuyết phục họ và bàn bạc về việc thực hiện bộ phim có mất nhiều thời gian và gặp những khó khăn nào?
 
- BTV Trần Xuân: Khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào thực hiện phim tài liệu có lẽ là việc tìm kiếm những câu chuyện đặc biệt, liên lạc với họ và thuyết phục họ đồng ý xuất hiện trên truyền hình. Bởi lẽ trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và các nước đều thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đóng cửa ở trong nhà thì việc tìm kiếm, tiếp cận các nhân vật càng khó khăn hơn. Đặc biệt là ở nước ngoài.
 
Chúng tôi đã thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn trực tuyến, tìm hiểu những câu chuyện khác nhau, liên lạc với mạng lưới cộng đồng người Việt ở rất nhiều quốc gia để lựa chọn những câu chuyện thực sự đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải là những câu chuyện có tình tiết gay cấn, mà đặc biệt ở đây là diễn biến tâm lý của họ, những cảm xúc mà họ mang tới và những giá trị đọng lại sau câu chuyện là gì.
 
Với tuyến nhân vật bị nhiễm COVID-19, rất khó để có thể thuyết phục được họ đồng ý xuất hiện. Người ta không muốn chia sẻ câu chuyện của mình, nhất là khi họ đang ốm. Nỗi lo lắng liệu mình đã hoàn toàn chiến thắng được COVID-19 hay chưa? Là điều họ đắn đo, không muốn chia sẻ câu chuyện của mình.
 
Với nhân vật bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch là những người vô cùng bận rộn và thậm chí quá tải về công việc. Hằng ngày họ phải điều trị liên tục, thức trắng đêm và thậm chí không có thời gian để liên lạc với người thân. Để thuyết phục họ dành thời gian cho mình, đồng ý phỏng vấn và ghi được một số hình ảnh công việc của họ là điều cực kỳ khó.
Các nhân vật trong phim đã ghi lại nhật ký của mình qua các cuộc gọi facetime từ xa, ghi âm, quay camera gửi về cho ê-kíp và trò chuyện với một phóng viên ẩn danh cũng là khán giả. 
 
Vì sao chị lại quyết định chọn cách thể hiện này? Với việc thể hiện như vậy, chị và ê-kíp sản xuất có gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai?
 
- BTV Trần Xuân: Chúng tôi thực hiện phim trong thời điểm đang thực hiện giãn cách xã hội ở Việt Nam và ở các quốc gia khác cũng thế. Vì thế việc tác nghiệp vô cùng khó khăn và có lúc tưởng chừng như muốn bỏ cuộc vì không thể làm được. Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã quyết định cách thể hiện thông qua những cuộc gọi facetime, facebook từ xa, ghi âm, quay camera gửi về cho ê-kíp. Những câu chuyện đó được diễn đạt thông qua màn hình máy tính và các nhân vật trò chuyện với "một phóng viên ẩn danh" qua màn hình máy tính đó.
 
Việc thể hiện theo cách này có thể đảm bảo được tính chân thực của những câu chuyện. Không màu mè, hoa mỹ mà đó chính là nhật ký các cuộc gọi chúng tôi ghi lại. Hình ảnh gửi về có thể không được đẹp và chuyên nghiệp nhưng đó là những hình ảnh chân thực nhất.
 
Việc khó khăn nhất để thể hiện theo hình thức này đó chính là đồ hoạ. Có nghĩa là tôi phải đồ hoạ lại toàn bộ các chi tiết cuộc gọi, từng chi tiết một trên màn hình máy tính, từng chi tiết của các trang facebook nhân vật… và rồi thả các chất liệu thật vào các khuôn hình đó. Điều này vừa đảm bảo chất lượng hình ảnh, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho bộ phim.
 
Tại Việt Nam, chị và ê-kíp sản xuất phải thực hiện những công việc và cảnh quay nào? Tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang căng thẳng, anh chị có gặp phải áp lực và trở ngại gì không?
 
- BTV Trần Xuân: Hạn chế của phim chính là chất liệu hình ảnh nhân vật tự quay gửi về quá ít và chưa đủ đảm bảo để truyền tải hết nội dung và cảm xúc. Điều đó khiến chúng tôi phải tái hiện lại nhiều tình tiết dựa trên lời kể của nhân vật. VD: tình tiết nhân vật gọi điện 911, nhân vật nhận được cuộc gọi thông báo người nhà mất lúc nửa đêm, nhân vật tự điều trị trong phòng hay khoảnh khắc nhân vật được lần đầu bước ra khỏi phòng sau 14 ngày cách ly…
 
Để tái hiện được câu chuyện các nhân vật ở nước ngoài bằng những cảnh quay tại Việt Nam là điều vô cùng khó. Ngoài việc tìm một bối cảnh gần giống, chúng tôi còn phải làm lại mọi chi tiết liên quan đến câu chuyện nhân vật. Ví dụ tôi phải vẽ lại từng bức tranh y hệt như tranh con gái vẽ tặng ba (một nhân vật dương tính với COVID-19), hay làm lại từng món ăn y hệt như họ đã ăn trong thời gian điều trị, tìm kiến các diễn viên với ngoại hình gần giống, trang phục giống, bài trí phòng giống y như họ bài trí ở nước ngoài…
 
Ngoài ra để kịp tiến độ, chúng tôi phải thực hiện ghi hình vào những ngày cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội. Đó là điều vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Ê-kíp sản xuất của chúng tôi gồm cả diễn viên đã lên tới 10 người. Chúng tôi phải đảm bảo các quy tắc an toàn hết sức chặt chẽ. Ê-kíp cũng gặp nhiều khó khăn vì không thể thực hiện được một số cảnh quay ở ngoại cảnh.
 
Trong quá trình thực hiện bộ phim, có câu chuyện hậu trường nào đáng nhớ mà chị muốn chia sẻ tới khán giả? 
 
- BTV Trần Xuân: Có một số câu chuyện hậu trường thú vị bên lề của phim. Đó là khi thực hiện tái hiện cảnh quay của một nhân vật tên Phương ở Mỹ đứng trên cầu gọi xe cấp cứu. Thời điểm Phương gọi cấp cứu vào một ngày rất rét buốt và mặc một chiếc áo lông to sụ và trùm kín hết mặt, đeo găng tay… Và khi quay tái hiện cảnh này thì thời tiết ở Hà Nội lại đúng hôm trời nóng. Cảnh quay thực hiện khá lâu nên diễn viên khi đóng cảnh này đã toát hết cả mồ hôi vì quá nóng.
 
Hay trong phòng nhân vật có chi tiết là có một giỏ cây vạn niên thanh treo ở cửa sổ và một dải bóng đèn nhấp nháy. Chúng tôi ghi hình lúc tất cả các cửa hàng Hà Nội đều đóng cửa nên để đi mua được giỏ cây và bóng đèn nhấp nháy khá là khó. Mọi người phải "huy động lực lượng" mãi mới tìm mua được.
Trong số những câu chuyện, nhân vật được gặp gỡ, nói chuyện và tìm hiểu, chị ấn tượng và xúc động với câu chuyện và nhân vật nào nhất? Có chi tiết nào khiến chị khó có thể quên được?
 
- BTV Trần Xuân: Trong số những câu chuyện, nhân vật tôi được gặp gỡ, nói chuyện và tìm hiểu thì mỗi câu chuyện đều để lại ấn tượng và xúc động riêng với cá nhân tôi. Tôi từng rơi nước mắt khi đọc những dòng nhật ký của bạn Phương – một bạn trẻ tại Mỹ nhiễm COVID-19 phải một mình chống chọi với bệnh tật khi mà bố mẹ thì Nga. 
 
Bạn ấy đi bệnh viện 3 lần cấp cứu nhưng đều không được tiếp nhận vì nơi bạn sống là New York, đang quá tải vì dịch bệnh.
 
Hay tôi cũng rất xúc động khi đến thăm gia đình của bác sĩ Thương hiện đang làm việc ở Pháp. Bác sĩ Thương là một trong những bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện bên Pháp. Một bác sĩ với sự tâm huyết, yêu nghề, lăn xả, hi sinh vì công việc để đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng đằng sau đó là cả một gia đình với nhiều lo toan. Con trai mới 18 tháng tuổi, chồng thì mới phẫu thuật xương tay…
 
Họ đã chia sẻ cùng nhau công việc gia đình để gánh vác thêm trách nhiệm xã hội… Hơn hết những câu chuyện đó đều mang lại cho tôi sự xúc động bởi tình cảm gia đình ấm áp, tình cảm của những người Việt ở nước ngoài… Dù ở nơi đâu, người Việt vẫn luôn hướng về nhau.
 
Ở cuối kịch bản, tôi có đọc được câu chuyện về một nhân vật là người Việt tại Đức đã mất khi điều trị COVID-19. Chị có thể chia sẻ chi tiết hơn về câu chuyện đau lòng này? 
BTV Trần Xuân: “Đôi lúc tôi đã khóc, đã muốn dừng lại khi thực hiện “Ngày chúng ta đang sống” - Ảnh 1.
 
BTV Trần Xuân
- BTV Trần Xuân: Trong quá trình làm phim thì chúng tôi tiếp nhận được thông tin rất đau buồn đó là anh Nguyễn Đức Sơn - người Việt tại Đức mất vì COVID-19. Lúc vợ anh đưa anh nhập viện điều trị COVID thì hai bên chưa hề chuẩn bị tinh thần và chưa hề tưởng tượng ra viễn cảnh đó là lần cuối gặp nhau. 
 
Vợ anh còn chụp ảnh anh lúc anh cầm chai nước uống, không ngờ đó là bức ảnh cuối cùng. Thật không may, anh đã ra đi trong quá trình điều trị. Anh ra đi nhưng chết không có nghĩa là hết. Để thực hiện tâm nguyện của anh, vợ anh và gia đình đã quyết định hiến thi hài cho y học để nghiên cứu về COVID-19.
 
Chị mong muốn qua bộ phim của mình, sẽ truyền tải những thông điệp gì đến với khán giả? Cảm xúc đọng lại sau khi xem bộ phim này sẽ là gì?
 
- BTV Trần Xuân: Phim tài liệu Ngày chúng ta đang sống không có những câu chuyện to tát và giật gân. Phim là những mảnh đời nhỏ với những câu chuyện nhỏ của những người Việt xa xứ đang ngày đêm chiến đấu với COVID-19. Ở đó sáng lên tinh thần kiên cường của người Việt, tình yêu thương gia đình, tình cảm cộng đồng của người Việt và những nghĩa cử cao đẹp. Dù người Việt ở nơi đâu vẫn luôn hướng về nhau tạo thành nguồn sức mạnh để chiến đấu với dịch bệnh. Cảm xúc đọng lại khi xem, tôi mong khán giả cũng như tôi, chúng ta có thể tìm thấy niềm tin, sự lạc quan để đương đầu với dịch bệnh. Vì cuộc sống vẫn tiếp diễn và vẫn là ngày chúng ta đang sống, hãy sống một cách hết mình, trọn vẹn và ý nghĩa.
 
Đối với chị, bộ phim tài liệu này có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp?
 
- BTV Trần Xuân: Phim tài liệu Ngày chúng ta đang sống đến với tôi như một cái duyên bất ngờ trong cuộc đời làm nghề. Tôi không kỳ vọng nó là điều gì to tát trong sự nghiệp làm báo nhưng nó có ý nghĩa hết sức đáng nhớ. Vì tôi may mắn được trở thành một người lắng nghe những câu chuyện của những người Việt kiên cường chiến đấu với dịch bệnh. Tôi may mắn trở thành một người viết lại nhật ký chiến đấu của họ. Có những lúc tôi đã khóc và muốn dừng lại vì nó quá khó, tôi không thể truyền tải được hết những điều đó. Nhưng tôi đã không bỏ cuộc.
 
Tôi mong muốn khán giả sẽ ủng hộ, đón nhận bộ phim giống như cách tôi đã lắng nghe câu chuyện của họ như những người bạn. Hãy là một người bạn, người đồng hương khi xem, nghe chuyện những người Việt ở xa xứ đã kiên cường chiến đấu với đại dịch COVID-19 ở phim tài liệu Ngày chúng ta đang sống.
 
Cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn và cảm ơn ê-kíp thực hiện Ngày chúng ta đang sống đã mang đến cho khán giả một bộ phim tài liệu vô cùng ý nghĩa!
 
 
 
 

 

Nguồn: VTV.VN