Ngày trở về - Cội nguồn thương nhớ: Chẳng gì hơn nhà mình
Trong chương trình năm nay, Biên tập viên Thúy Hằng đảm nhận phần nhân vật ở Senegal, châu Phi. Nói về chuyến đi của mình, chị cho biết: "Trước chuyến đi tôi háo hức lắm vì châu Phi là nơi mà tôi rất thích. Cả 1 đại lục to lớn như vậy cơ mà? Vì thế, tôi đã lên mạng tìm hiểu về Senegal, về thủ đô Dakar, biết rằng đây được coi là một trong những nơi văn minh nhất Châu Phi... nên cũng thấy yên tâm phần nào".
"Nhưng trước khi đi vẫn phải mua hết hơn 1 triệu tiền thuốc. Vẫn sợ tự dưng bị con gì đốt hay tự dưng đang đi quay, ai đó trong đoàn lăn ra ốm mà cơ sở y tế ở đó không có thì chết. Rồi mua rất, rất nhiều mỳ tôm và phở ăn liền vì sợ không quen với đồ ăn bên đó, rồi ruốc, muối vừng các thứ, các thứ...".
"Khi bước chân xuống máy bay thì, ôi chao, sao mà choáng váng đến thế (cười) vì cái sân bay ở đây còn bé hơn cả cái ga xép ở Việt Nam. Nhưng ra đón bọn mình là một nhóm các bạn người Việt, người gốc Việt thì đúng hơn. Họ thuộc hội UNISENDO, là hội con lai của những gia đình có bố là người Senegal, mẹ là người Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia)".
"Họ rất nhiệt tình và tốt bụng" - Biên tập viên Thúy Hằng nói tiếp - "Họ đưa bọn mình về trên những chiếc xe ô tô cà tàng mà ở Tây thì chắc người ta cho vào máy nghiền rác nghiền từ tám đời nào rồi. Rồi những cuộc gặp gỡ, chuyện trò liên miên kéo dài cả ngày vì tính cách của những người bên đó rất thích trình bày, rất thích kể...".
"Những gia đình bọn mình gặp gỡ và phỏng vấn đều chỉ còn lại thế hệ 2-3-4 nhưng điều mình ấn tượng là họ luôn hướng về Việt Nam, về quê của mẹ, của bà mình. Có những người chưa về Việt Nam bao giờ, một từ tiếng Việt cũng nói không nổi nhưng lúc nào cũng tự hào nói tôi là người Việt, tự hào tôi là con lai Việt Nam. Đối với họ, con lai là một sự tự hào, khác hẳn với thế hệ 2, con lai là 1 sự xấu hổ".
Trong khi đó, Biên tập viên Đỗ Thị Kim Thịnh lại ấn tượng mạnh với nhân vật của chị - một thanh niên Việt kiều người Mỹ gốc Việt tên Hoài Tiến. Hoài Tiến cũng là người dẫn dắt, kết nối các câu chuyện trong Ngày trở về 2018 - Cội nguồn thương nhớ. "Điều tôi thích nhất là được kể chuyện và tin những câu chuyện đó sẽ có giá trị với ai đó" - Biên tập viên Đỗ Thị Kim Thịnh cười, nói một cách nhẹ nhàng với ánh mắt ánh lên niềm vui khi được hỏi điều chị thích nhất mỗi lần làm Ngày trở về.
"Tôi tò mò về nhân vật của mình năm nay" - chị Thịnh nói - "Tôi tò mò về lý do vì sao cậu ta lại trở về Việt Nam trong khi rất có điều kiện bên Mỹ? Vì về đây, hiện giờ, cậu ta phải sinh hoạt tằn tiện trong khi nếu ở Mỹ thì ung dung kiếm tiền hưởng thụ".
"Có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi khi nghĩ về Tiến. Gia đình cậu ấy đã tìm mọi cách cắt đứt tất cả phần Việt Nam trong cậu ấy thì lý do gì tự dưng năm 20 tuổi Tiến lại muốn tìm hiểu về gốc gác của mình? Bảo là người già nhớ quê đã đành nhưng cậu ta không có ký ức gì thì sao giờ yêu Việt Nam đến thế? Nên tôi rất thắc mắc".
Nói về chương trình năm nay, trước khi Ngày trở về 2018 lên sóng, Biên tập viên Đỗ Thị Kim Thịnh nói: "Tôi thích cái tứ home sweet home của phương Tây: Chẳng gì hơn nhà mình".
Nhân vật Hoài Tiến trong các cảnh quay tại Tây Bắc.
Biên tập viên Lê Hoàng Linh cũng là một trong những người gắn bó, có thể nói, là lâu nhất với Ngày trở về. Linh tham gia 7/8 năm của chương trình cho đến nay. Khi trò chuyện với VTV News, Linh bảo: "Điều kinh khủng nhất khi làm chương trình này là việc cứ mỗi một mùa chưa kịp trôi qua thì đã nghĩ đến mùa tiếp theo".
Khi tôi hỏi: "Nhưng đấy là một kiểu thú vị đầy áp lực nhỉ?"
Linh đáp lại với nụ cười lớn: "Vâng, đúng thế chị ạ. Khi chương trình phát sóng xong, đọc nhận xét của khán giả vừa vui lại vừa thấy áp lực luôn. Mình luôn tự hỏi năm sau làm sao có thể tìm được câu chuyện hay nhân vật đặc sắc được đây? Làm thế nào để khán giả cảm thấy mới mẻ? Làm thế nào để cảm xúc của chính những người làm không bị chai đi?".
Biên tập viên Hoàng Linh (áo xanh, bên phải) trong một cảnh quay của Ngày trở về 2018 tại Hà Nội.
Nhưng thực sự làm Ngày trở về rất vui vì mỗi năm đều có một chương trình để mình dồn sức. Nói đúng hơn là quá vui. Đi đâu ai cũng hỏi năm nay đã làm Ngày trở về chưa? Đi đâu? Làm về cái gì? Có hay không? Có đặc biệt không?... Nhiều người hỏi từ tháng 7 tháng 8 ấy".
"Mỗi một chương trình mình làm là mình vượt qua được những ranh giới của chính mình" - Hoàng Linh nói trong phần kết chia sẻ của mình - "Ngày trở về là sản phẩm của cả một ê-kíp, trong từng hình ảnh và chi tiết về nội dung đều có dấu ấn của cả nhóm... Đó là sức mạnh tập thể! Và mọi người đều làm hết sức bình sinh, cố gắng vượt qua chính mình của những năm trước".
"Năm nay điều cả nhóm hài lòng là tính phát hiện của các câu chuyện. Hy vọng khán giả sẽ thích thú với các câu chuyện chúng mình kể trong năm nay!".
Biên tập viên Lê Hoài Linh (áo xanh) trong các cảnh quay của Ngày trở về 2018
Ngày trở về 2018 được phát sóng vào các khung giờ:
1h, 8h, 20h (Giờ Hà Nội) ngày 16/2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán), phát lại 14h ngày 18-2 (Tức mùng 3 Tết Nguyên Đán), 16h ngày 21-2.
Các tin bài khác