BTV- Đạo diễn Trần Xuân: Con là động lực lớn nhất để tôi hoàn thành phim tài liệu 'Trở về từ cuộc sống'

04:48 | 06/09/2021
Đứa con đầu lòng bé bỏng trong bụng chính là động lực lớn nhất giúp chị hoàn thành bộ phim này.
BTV- Đạo diễn Trần Xuân: Con là động lực lớn nhất để tôi hoàn thành phim tài liệu 'Trở về từ cuộc sống'

Vào thời điểm này năm ngoái, tôi có dịp phỏng vấn BTV Trần Xuân (Ban Truyền hình đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam) khi chị thực hiện bộ phim tài liệu "Ngày chúng ta đang sống". Thời gian đó, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới và khiến cuộc sống của người dân xoay chuyển, biến đổi hoàn toàn. Trong số hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 ở nước ngoài có không ít người Việt cũng phải tự mình chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm và quái ác này ở mảnh đất xa xứ. Từ Việt Nam, BTV Trần Xuân đã tìm cách để liên lạc, kết nối với những bệnh nhân Việt mắc COVID-19 và chuyển tải tới khán giả những câu chuyện chân thực nhất. Họ, những người dân Việt đã có cuộc chiến khốc liệt với loại virus đáng sợ ở những nơi cách xa quê hương đến nửa vòng Trái đất. 

Sau một năm, có lẽ cơ duyên lại đưa chị đến với một đề tài tương tự như trong Ngày chúng ta đang sống, cũng nói về những bệnh nhân mắc COVID-19, cũng là những người Việt đồng hương của mình nhưng lại ở chính quê hương Việt Nam. Tháng 7/2021, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát và lây nhiễm lan rộng toàn thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh. Sự quá tải là điều khó có thể tránh khỏi và khiến cho nhiều bệnh nhân buộc phải tự chiến đấu với căn bệnh này ngay trong chính ngôi nhà của mình. 

Thêm một lần nữa, từ Hà Nội, BTV Trần Xuân đã thực hiện tiếp một bộ phim tài liệu, mang tên "Trở về cuộc sống". Điều đặc biệt ở lần sản xuất này, nữ BTV - đạo diễn đang ở giai đoạn thai kỳ và chỉ có một mình khi chồng chị cũng đang mắc kẹt ở nơi tâm dịch. Đứa con đầu lòng bé bỏng trong bụng chính là động lực lớn nhất giúp chị hoàn thành bộ phim này. 

Ngay từ những giây phút đầu của phim, khán giả dường như đã lặng đi khi nghe những lời nhân vật nói: "Mình đã từ cửa tử đi về, phải sống để còn trả lại...". Để trở về cuộc sống, trở về với những điều quá đỗi thân quen và bình thường mà đôi khi chúng ta đã không còn coi trọng, thì những nhân vật trong bộ phim tài liệu của BTV Trần Xuân đã phải chiến đấu rất kiên cường và mạnh mẽ, để giành lại sự sống, giành lại những điều bình thường đó. 

Vào thời gian này năm trước, chị thực hiện phim tài liệu "Ngày chúng ta đang sống", với câu chuyện về những bệnh nhân người Việt chiến đấu với COVID-19 ở nước ngoài. Năm nay, phim tài liệu "Trở về cuộc sống" mang đến cho khán giả câu chuyện về các bệnh nhân đang chiến đấu với COVID ở tâm dịch TP. HCM. 

Cùng nội dung xoay quanh các bệnh nhân nhiễm COVID-19, lần thực hiện bộ phim này có những điểm gì khác đối với chị?

- Có lẽ là một nhân duyên đối với tôi, là sự tiếp nối cho tôi gặp gỡ các câu chuyện về F0 trong đại dịch. Điểm khác là năm nay nhân vật của tôi ở trong nước – tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu tôi không có ý định làm phim, mà các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã đưa tôi đến với bộ phim này. Khoảng giữa tháng 8 thì số ca bệnh nhiễm COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng rất nhanh. Với biến chủng mới, chúng ta đã chứng kiến một đợt đại dịch bùng phát mạnh mẽ gấp nhiều lần so với năm ngoái. Mỗi lần đọc tin về thành phố Hồ Chí Minh, lòng tôi đều quặn thắt. Đề tài về các các bệnh nhân nhiễm COVID-19 không mới nhưng tôi nghĩ luôn có nhiều điểm để khai thác. Bởi đó chính là những "nút thắt" trong cuộc chiến COVID-19 dai dẳng này.

Với "Trở về cuộc sống", cuộc chiến giữa lằn ranh sinh tử rõ rệt hơn với mức độ nguy hiểm cao hơn và những mảnh đời rất "đại diện" cho hình bóng thành phố. Đó là bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, là bệnh nhân F0 nặng tại một xóm nghèo toàn dương tính đang điều trị ở tầng cao nhất tháp điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, là một cán bộ phường trở thành F0 phải nén nỗi đau mất mẹ để tiếp tục chống dịch. Chữ "dương tính" năm ngoái có lẽ còn quá mới, quá sốc với nhiều người Việt ở nước ngoài. Nhưng năm nay nó hiện hữu ở mọi ngóc ngách. Cả gia đình dương tính, cả con hẻm toàn cư dân bị dương tính… Đó thực là một cuộc chiến khốc liệt. 

Năm nay tôi đi sâu vào khai thác các trạng thái tâm lý và cảm xúc của nhân vật. Với các ca F0, việc điều trị là quan trọng nhưng bên cạnh đó yếu tố tâm lý cũng quan trọng không kém.

Cùng chung cách tác nghiệp từ xa giống ở bộ phim trước, với "Trở về cuộc sống", chị có gặp khó khăn nào khác trong quá trình tìm kiếm và kết nối với nhân vật? 

- Việc tác nghiệp từ xa luôn gặp khó khăn đó là về hình ảnh, về sự tương tác và kết nối với phóng viên. Đó là một thử thách lớn khi làm phim. Tôi không có thời gian để gặp gỡ, chuyện trò hàng ngày hay có thể nhìn rõ toàn cảnh cuộc sống của họ. Năm nay, khó khăn trong việc tác nghiệp nhân lên gấp bội. Bởi các nhân vật của tôi ở trong cùng một "chảo lửa" của cuộc chiến COVID-19. Ngoài việc họ phải chiến đấu với dịch bệnh để giữ hơi thở cho bản thân thì họ còn đối mặt với khủng hoảng, những nỗi lo cho người thân, bạn bè trong tâm dịch. Họ có rất ít thời gian cho tôi, phối hợp cùng tôi.

Tôi đã tìm kiếm và trò chuyện với rất nhiều ca F0 nhưng không phải ai cũng đồng ý nhận lời phỏng vấn. Đó là điều dễ hiểu vì các ca F0 trong quá trình điều trị đều rất mệt mỏi và không sẵn sàng để chia sẻ. Ngoài ra, các nhân vật đều phải hỗ trợ tôi trong việc cung cấp hình ảnh và dành thời gian để phỏng vấn với tôi. Đây là một khó khăn trong quá trình làm phim. Đa phần họ đều không thể tự quay được. Có một nhân vật là cán bộ phường thì ngay sau khi điều trị khỏi bệnh đã tham gia chống dịch ngay và cuốn vào guồng quay của công việc. Tôi hầu như không thể tiếp cận với chị.

Tôi phải kiên trì liên lạc mỗi ngày nhưng chị không thể bắt máy. Mỗi ngày chị đều làm từ 6h sáng đến 11h đêm mới về. Nên chỉ có khoảng lúc 5h sáng là chị trả lời tin nhắn của tôi. Dù khó khăn nhưng cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành.

Trong số những câu chuyện, nhân vật được biết, chị xúc động và ám ảnh điều gì nhất?

- Trong số 3 nhân vật của tôi, mỗi nhân vật là một màu sắc, một cung bậc cảm xúc riêng. Tất cả đều đem lại cho tôi những ấn tượng riêng. Nhưng có lẽ có một chi tiết để lại ám ảnh cho tôi, đó là câu nói của nhân vật: "Lúc đó mẹ mình bước ra, đi vô bệnh viện là hoàn toàn cắt đứt hết, đến lúc mà về là chỉ còn hũ cốt". 

Cuộc chiến với COVID-19 lần này rõ ràng khốc liệt hơn và có nhiều cú sốc mà người trong cuộc không thể trở tay. Đã có rất nhiều nỗi buồn. Ranh giới giữa sống và chết mong manh hơn bao giờ hết. Đó cũng là một trong những động lực để những ai còn sống, còn hơi thở phải mạnh mẽ thì mới có thể vượt qua, đặc biệt là khủng hoảng tâm lý.

Bộ phim được chị hoàn thành chưa đến 3 tuần. Với khoảng thời gian ngắn như vậy, chị có gặp nhiều áp lực?

- Chính tôi là người đặt ra timeline cho nó bởi tôi muốn hoàn thành phim càng nhanh càng tốt. Mục tiêu của tôi khi làm phim này đó là thông qua các câu chuyện để nhằm mang tới hi vọng và động lực cho các bệnh nhân F0 tại tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không muốn bỏ lỡ phút giây nào khi ngoài kia đang có rất nhiều người vật lộn để chiến đấu giành giật sự sống. Có lẽ chỉ ăn, thuốc, oxy thì chưa đủ, các bệnh nhân F0 còn cần một tinh thần và ý chí nữa. 

Nhân vật của tôi đã có một câu nói rất hay mà tôi rất tâm đắc: "Đại dịch này có thể cướp mọi thứ trên tay chúng ta nhưng có một thứ mà nó không thể chạm tới. Đó là sự hi vọng". Mỗi lần tôi cảm thấy quá vất vả, tôi nghĩ tôi phải tiếp tục nỗ lực hơn để hoàn thành đứa con tinh thần này.

Lần làm phim này quả thực là cuộc chạy đua với thời gian. Đa phần tôi đều làm việc ở nhà, tại chỗ, tôi đều tự dựng hoàn thiện hậu kỳ và chỉ làm việc với kỹ thuật một ngày cuối ở cơ quan. Thậm chí lúc xuất file để duyệt tôi cũng xuất trên quãng đường lái xe từ nhà lên cơ quan.

Vì sao chị lại tiếp tục chọn cách thể hiện không lời bình trong bộ phim lần này của mình?

- Tôi tiếp tục lựa chọn cách làm phim không lời bình. Đó là để nhân vật tự chia sẻ câu chuyện của mình. Mọi lời bình đưa vào đều không chân thực bằng chính những tâm sự của người trong cuộc. Tự họ dẫn dắt ta và đưa ta vào câu chuyện của họ, cùng lắng nghe họ mà không cần một lời bình nào hết. Đó cũng là cách mà tôi muốn làm phim một cách chân thực và khách quan nhất. Phim của tôi đi sâu vào khai thác yếu tố tâm lý, tầng bậc cảm xúc trong cuộc chiến đấu với COVID-19 nên chính những lời F0 thốt ra chính là những từ ngữ miêu tả chính xác nhất trạng thái của họ mà không cần thêm một lời bình nào.

Phim cũng đề cao yếu tố âm thanh và hình ảnh. Những tiếng tim đập nhanh, tiếng thở khò khè, tiếng thằn lằn kêu trong đêm, tiếng chó hú, tiếng máy thở trong bệnh viện… đều là những âm thanh gây ám ảnh. Hình ảnh không trau chuốt, chuyên nghiệp nhưng chỉ cần hình ảnh tự quay về một hẻm nghèo tối tăm, một góc qua ô cửa sổ khi đang nằm điều trị của nhân vật… là đã đủ thể hiện về bối cảnh của nhân vật. Một thành phố đượm buồn, vắng vẻ. Tôi nghĩ những điều đó đủ lột tả một cuộc chiến COVID-19 khốc liệt ở những góc tối tăm nhất.

Ngoài ra như phim năm ngoái, một số chi tiết trong phim đã được tôi tái hiện lại dựa trên lời kể của nhân vật. Năm nay, các cảnh quay tái hiện của tôi đều thực hiện ở Đài để đảm bảo an toàn. Tôi đã phải tự chuẩn bị và mang từ nhà đến cơ quan các đạo cụ như chăn, ga, gối, đồ ăn, bát đũa… mua trang phục bảo bộ, que test nhanh…

Các diễn viên hỗ trợ tôi chủ yếu là các đồng nghiệp. Có một cấu phần được quay tại nhà thì chính là nhà của anh quay phim và diễn viên chính là vợ anh ấy. Mọi người đều hỗ trợ tại chỗ một cách tối đa nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Ở lần thực hiện bộ phim trước, chị từng chia sẻ đã khóc và muốn dừng lại, bộ phim lần này đã mang đến cho chị những cảm xúc như thế nào? 

- Quả thực năm ngoái tôi đã phải thực hiện một bài toán khó mà lần đầu tôi làm phim tài liệu theo hình thức tác nghiệp từ xa. Năm nay tôi kiên trì và theo đuổi tới cùng bởi mục tiêu mà tôi đặt ra đó là một phim mang tới sự hi vọng. Thú thực khi sản xuất phim này tôi đang có bầu 7 tháng và chồng tôi cũng mắc kẹt ở Bình Dương không về được. 

Chính tôi cũng rất khó khăn trong cuộc chiến này khi có bầu, ở nhà một mình và phải sản xuất phim. Nơi tôi ở và chồng tôi ở hiện đều là những ổ dịch, tôi cũng trải qua những lo lắng như chính nhân vật. Hơn ai hết tôi rất hiểu và đồng cảm với nhân vật của tôi.

Không có điều kiện tác nghiệp trực tiếp, chị có nhận được thêm sự hỗ trợ từ ai khác hoặc các đồng nghiệp?

- Không có điều kiện tác nghiệp trực tiếp nên tôi nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của nhân vật. Có một nhân vật thì nhờ vợ quay giúp, có nhân vật nhờ con trai quay giúp, nhân vật thì chồng quay giúp. Điều đó rất đáng quý với tôi. Các chất liệu hình ảnh được sắc nét và chuyên nghiệp nhưng đều sống động và chân thực. Tuy nhiên rất ít ỏi. 

Những nhân vật của tôi hầu hết đều ở khu phong toả và đều dương tính hết nên để đảm bảo an toàn thì cũng không thể trực tiếp vào trong nhà để tác nghiệp. Nếu có đến tác nghiệp cũng mất rất nhiều quy trình và có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng. Ví dụ có những chi tiết như 2 giờ sáng người vợ lên quay người chồng qua ô cửa kính để xem chồng còn thở hay không… Nghĩa là phải sống cùng nhân vật thì mới có được những chi tiết đó.

Ngoài ra bệnh viện Chợ Rẫy, nơi tầng cao của tháp điều trị dành cho bệnh nhân nặng, đã có những hỗ trợ quay hình ảnh cho tôi. Đó là những hình ảnh đáng quý.

Chị có tiếc nuối điều gì hay không?

- Nói tới tiếc nuối khi làm phim thì đó là thời gian không cho tôi chậm rãi để mân mê, trau chuốt cho tác phẩm của mình. Hai là tôi không thể trực tiếp vào tác nghiệp. Ba là có những câu chuyện đằng sau không thể kể hết.

Điều chị muốn truyền tải với khán giả thông qua "Trở về cuộc sống"?

- Chi tiết kết phim là mong ước của một nhân vật có sở thích phượt mô tô mơ ước có thể trở lại rong ruổi trên những chặng đường. Một mong ước rất bình dị nhưng có lẽ thật xa xỉ trong lúc này. Nhưng mong ước đó là niềm tin "trở về cuộc sống" – một cuộc sống bình thường sau hành trình chiến đấu với tử thần.

Phim không có những câu chuyện to tát nhưng "Trở về cuộc sống" muốn truyền đi thông điệp lạc quan, đừng từ bỏ hi vọng. Hãy kiên cường trong cuộc chiến này và hãy luôn yêu thương nhau nhiều hơn. Đó luôn là liều thuốc để ta vượt qua mọi nỗi đau, là sức mạnh bước qua lằn ranh sinh tử.

VTV cũng đã có rất nhiều phóng viên, biên tập viên đang hàng ngày ở trong tâm dịch để cập nhật tin tức. Chị có muốn nói điều gì và chia sẻ với những đồng nghiệp của mình đang ở tuyến đầu chống dịch?

- Làm phim về vùng dịch nên tôi rất hiểu những khó khăn và nguy hiểm phải đối mặt mà các đồng nghiệp của tôi đang ở trong tâm dịch. Đó là chính là đối mặt với sinh tử. Tôi rất khâm phục và chia sẻ với những đồng nghiệp của tôi là lực lượng tuyến đầu phải tác nghiệp để mang tới những hình ảnh, tin tức, thước phim quý giá. Tôi luôn cầu mong các anh chị đồng nghiệp luôn mạnh khoẻ để tiếp tục đồng hành, chiến đấu với người dân để chúng ta cùng chiến thắng và vượt qua đại dịch.

COVID-19 đã thay đổi cuộc sống và công việc của chị ra sao? Trước và sau khi hoàn thành bộ phim, chị thay đổi suy nghĩ như thế nào về dịch bệnh này?

- COVID-19 đã thay đổi tư duy của tôi rất nhiều. Đó là trân quý từng khoảnh khắc ta đang sống, yêu thương người bên cạnh ta. Tôi cũng đã nhận được rất nhiều lời động viên của chính các nhân vật khi tôi là một mẹ bầu đang phải làm việc và ở nhà một mình. Và hiển nhiên tôi cũng hướng tới mọi người nhiều hơn, kể cả những người không quen biết hay chỉ gặp gỡ vài lần, tôi đều dành lời động viên và chúc nhau giữ gìn sức khoẻ. Quả thực điều đó rất ấm lòng trong đại dịch này.

Công việc của tôi từ làm việc hiện trường chuyển sang làm việc ở nhà bán thời gian nhưng không vì thế mà giảm áp lực công việc mà thử thách càng tăng lên gấp bội. Trách nhiệm của một người làm báo luôn phải cung cấp thông tin chân thực, nhanh chóng, kịp thời cho nhân dân. Càng trong cuộc chiến với COVID-19 thì trách nhiệm đó càng nặng nề và phải thúc đẩy ý chí, động lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi không biết cuộc chiến COVID-19 đến bao giờ mới ngừng lại nên phải học cách mạnh mẽ và đối mặt với nó. Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn, mỗi người một khó khăn riêng nhưng tôi mong tất cả chúng ta đều phải kiên cường để giữ cuộc sống chính mình và người thân.

Ý nghĩa của bộ phim tài liệu lần này đối với chị? 

- Phim tài liệu "Trở về cuộc sống" năm nay của tôi có lẽ là dấu mốc và là kỷ niệm ý nghĩa của tôi khi tôi hoàn thành trong thời gian đang thai kỳ. Tôi nghĩ đây là một sản phẩm của tôi và em bé trong bụng. Con tôi là động lực rất lớn cho tôi để hoàn thành phim này. Tôi cũng như tất cả mọi người trong đại dịch đều trải qua những cảm xúc lo lắng, khủng hoảng. Tôi đã dành hết tâm sức, sự lạc quan và hi vọng cho tác phẩm này.

Ngày 7/9 tới đây VTV kỷ niệm 51 năm Ngày phát sóng chương trình đầu tiên, nhìn lại quãng đường đã qua gắn bó với VTV, chị có muốn chia sẻ điều gì trong dịp đặc biệt này?

- Ngày 7/9 kỷ niệm 51 năm Ngày phát sóng chương trình đầu tiên, nhìn lại quãng đường 10 năm gắn bó, tôi cảm thấy mình thật may mắn, biết ơn và tự hào khi được làm việc dưới mái nhà VTV. Đây là nơi cho tôi cơ hội, điều kiện và bồi dưỡng khả năng làm nghề báo của tôi. Đây cũng là nơi rèn giũa và cho tôi thoả sức sáng tạo để theo đuổi đam mê nghề nghiệp. 

Tôi đã được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật, được lắng nghe nhiều câu chuyện và có thêm nhiều trải nghiệm quý giá. Và đặc biệt là có cơ hội để đưa tin, truyền tải những câu chuyện đời, những hình ảnh lên sóng truyền hình quốc gia, lan toả tới nhiều người. 

Mỗi năm tới ngày kỷ niệm cũng là dịp mà người làm báo như tôi phải luôn chiêm nghiệm lại, rút kinh nghiệm và luôn ý thức về trách nhiệm, vai trò bản thân để thúc đẩy chính mình nỗ lực hơn trên chặng đường làm nghề.

Xin được cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn! 

Nguồn: VTV.VN