Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Lời Người để lại": Lắng đọng và nhiều xúc cảm
“Lời Người để lại” là sự kết hợp hài hòa giữa các phóng sự được đầu tư, nghiên cứu cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, lắng đọng nhiều xúc cảm trong lòng người xem.
Ảnh: TTXVN
Tối 30/8 (giờ Việt Nam), chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Lời Người để lại" do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình, nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới dự chương trình. Ảnh: VTV
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng dự còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo Ban, Bộ ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, địa phương, bạn bè quốc tế.
Di chúc là một trong 5 bảo vật quốc gia của Bác Hồ để lại, là di sản to lớn Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều tên gọi, bí danh hay bút danh với nhiều tác phẩm khác nhau qua từng thời kỳ. Bản di chúc được Bác cẩn thận đánh máy và viết tay chỉnh sửa nhiều lần, là bút tích cuối cùng Người để lại cho dân tộc, cho đất nước, gửi trọn tình yêu thương, lời huấn thị cuối cùng.
Di chúc là văn bản kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp thể hiện tầm vóc ý chí của một con người, một nhân cách lớn "đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Lời huấn thị của chủ tịch Hồ Chí Minh 55 năm sau vẫn nguyên giá trị thời đại.
Một trong những giá trị lớn nhất của di chúc đó là chúc là hướng về tương lai. Di chúc như một văn kiện, cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh theo tinh thần đổi mới. Người nhắc nhớ về vấn đề căn cốt nhất bảo đảm cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền đó chính là xây dựng Đảng, chăm lo đời sống nhân dân, bồi dưỡng xây dựng thế hệ thanh niên - thế hệ kế tiếp. Xây dựng con người với đạo đức, văn hoá chính là hạt nhân, là trung tâm để hiện thực hoá di chúc, hướng tới mục tiêu: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Ảnh: TTXVN
Chương trình Lời Người để lại đưa người xem trở về những thời khắc năm 1965 lịch sử, khi Bác Hồ kính yêu bắt đầu những dòng đầu tiên của tài liệu "tuyệt đối bí mật". 55 năm Bác đã đi xa song tư tưởng, đạo đức và bản Di chúc thiêng liêng của Người luôn đồng hành, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một lòng kiên định và kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến; quyết tâm mang lá cờ bách chiến, bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích thắng lợi cuối cùng.
Trong 90 phút, chương trình gồm hai chương, nhắc nhớ lịch sử về giá trị cốt lõi và những đóng góp quan trọng của Di chúc Bác Hồ trong thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Không dừng lại ở đó, Lời Người để lại còn như lời khẳng định di chúc là văn kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, kết tinh tư tưởng, văn hoá, trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh và lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh của toàn dân tộc, thể hiện khát vọng giải phóng và phát triển, đồng thời nêu ra những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và làm theo 6 giá trị cốt lõi của di chúc từ năm 1969 theo tinh thần: nhân dân là chủ thể, là trung tâm, là thước đo thắng lợi. Dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước;
Bên cạnh đó, Lời Người để lại đã khắc họa chân dung con người vị Chủ tịch vĩ đại của dân tộc Việt Nam, biểu tượng của ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc, của hữu nghị, của đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Một con người mà cả đời không có gì riêng tư, suốt đời hết lòng phục vụ đất nước, nhân dân.
Ảnh: TTXVN
Điểm nhấn khác của chương trình còn là sự gắn kết hài hòa giữa những phóng sự được đầu tư nghiêm túc cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Những ca khúc đi cùng năm tháng, được công chúng yêu mến nhiều thập niên qua đã một lần nữa cất vang giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, mang đến cảm xúc khó quên cho khán giả.
Các tin bài khác