Những điều có thể bạn chưa biết về Di chúc Bác Hồ

03:57 | 21/08/2024
Nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “LỜI NGƯỜI ĐỂ LẠI”.
Những điều có thể bạn chưa biết về Di chúc Bác Hồ

1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản cuối cùng Người để lại, là bảo vật Quốc gia

 

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn bản cuối cùng Người để lại cho dân tộc Việt Nam. Theo Quyết định số 1426 ngày 1/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (văn bản gốc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ ngày 10/5/1965 đến 19/5/1969) được công nhận bảo vật quốc gia. Bản Di chúc của Bác thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Người với đất nước và dân tộc, là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân.

Trong những ngày tháng sau này, Di chúc Bác Hồ đã tạo sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động, góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Bác lựa chọn viết những lời căn dặn vào thời điểm đặc biệt

Đúng 9 giờ sáng ngày 10/5/1965, Bác bắt đầu viết những dòng để lại.

Thời điểm tháng 5 có ý nghĩa đặc biệt. Đó không chỉ là dịp sinh nhật Bác mà còn gắn liền với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, tổ chức tập hợp đoàn kết dân tộc, một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Bác suy nghĩ, cân nhắc kỹ từng lời trong di chúc. Bản Di chúc được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 9/9/1969 và được công bố rộng rãi trên các phương tiện đại chúng trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Bác muốn giữ tài liệu "tuyệt đối bí mật”

Bác ghi: "Tuyệt đối bí mật" ở phía trên lề trái của trang đầu Di chúc. Bác không muốn lời của "một người sắp đi xa” sẽ dẫn đến những suy nghĩ không có lợi. Tài liệu được giữ kín suốt thời gian từ tháng 5/1965 đến tháng 9/1969.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

4. Bác khẳng định nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong lời đầu bản Di chúc công bố năm 1969, Bác Hồ viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Điều đó đã thành hiện thực vào ngày 30/04/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta được thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà.

5. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng"

Di chúc nêu rõ việc phải làm của Đảng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Theo Bác, nhân dân chính là đối tượng cần quan tâm và được hưởng lợi ích một cách rất thiết thực. Người chỉ rõ đến từng đối tượng cụ thể trong lời dặn lại của mình: Thương binh liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sĩ, nạn nhân chế độ cũ, Đoàn viên và thanh niên, phụ nữ đảm đang, nhân dân lao động,...

Di chúc thấm đậm sâu sắc tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng con người; sự quan tâm, chăm lo sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam.

Để theo dõi trực tuyến các nội dung của VTV4, quý vị có thể truy cập các nền tảng sau:
 
Facebook: https://www.facebook.com/vtv4go
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vtv4go
Youtube: https://www.youtube.com/VTV4go
VTV4Go: https://vtvgo.vn/xem-truc-tuyen-kenh-vtv4-4.html

Tham khảo:

  1. Theo Hồi ký "Bác Hồ viết Di chúc" của đồng chí Vũ Kỳ.
  2. Theo tài liệu “Giới thiệu một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
  3. Theo bài báo “Bác Hồ viết Di chúc - Văn kiện lịch sử vô giá” của tác giả Nguyễn Văn Công, đăng tải trên Báo điện tử Chính phủ.

Nguồn: VTV4.VTV.VN