Biến thách thức cải cách thành động lực tăng trưởng bền vững năm 2025

05:34 | 06/07/2025
Quốc hội và Chính phủ đã có những hành động quyết liệt, biến những thách thức từ cải cách thành động lực mạnh mẽ, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
 Biến thách thức cải cách thành động lực tăng trưởng bền vững năm 2025

Cuộc "sắp xếp lại giang sơn" là một hành trình đầy thách thức, đòi hỏi sự thay đổi từ tư duy đến hành động.

Năm 2025 được xác định là năm bản lề, năm "về đích" của Kế hoạch 5 năm (2021-2025) với mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng từ 8% trở lên. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đối mặt nhiều biến động khó lường, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang tiến hành một cuộc "sắp xếp lại giang sơn" sâu rộng – một cuộc cải cách toàn diện về thể chế, bộ máy hành chính và các mô hình kinh tế. Quá trình này không chỉ tạo ra những động lực tăng trưởng mới mà còn đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Trước thực tế đó, Quốc hội và Chính phủ đã có những hành động quyết liệt, biến những thách thức từ cải cách thành động lực mạnh mẽ, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thách thức lớn nhất là "sức ì"

Cuộc cải cách hành chính, mà trọng tâm là các phiên thảo luận và chất vấn tại nghị trường Quốc hội, đã chỉ ra những "điểm nghẽn" cố hữu nhưng cũng là những cơ hội đột phá cho nền kinh tế.

Trong đó, những khó khăn, thách thức có thể thấy là sức ì trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể là quá trình cơ cấu lại, cổ phần hóa diễn ra chậm đồng thời chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế Nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) chỉ ra rằng đến tháng 3/2025, tỷ lệ phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 18%, một phần do quy trình xin ý kiến giữa các bộ, ngành còn kéo dài. Điều này cho thấy rào cản về thủ tục và sự phối hợp đang làm chậm lại quá trình giải phóng nguồn lực quan trọng này.

Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Thị Kim Yến (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra những điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, dù được xác định là "vốn mồi" quan trọng song giải ngân đầu tư công vẫn là bài toán nan giải, khi tỷ lệ giải ngân thấp không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm hiệu ứng lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Kim Yến trăn trở nói: "Dân vẫn kêu trời vì có tiền mà không sử dụng được".

Dù được xác định là "vốn mồi" quan trọng song giải ngân đầu tư công vẫn là bài toán nan giải, khi tỷ lệ giải ngân thấp không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn làm giảm hiệu ứng lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế.

Những rủi ro từ việc huy động vốn cho các siêu dự án cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận. Cụ thể là việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn (đường sắt, cao tốc, sân bay) đặt ra câu hỏi về nguồn vốn và an toàn nợ công. Theo Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang), các khoản đầu tư này có thể trở thành gánh nợ cho thế hệ tương lai, vì vậy đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng giữa nhu cầu phát triển và kỷ luật tài khóa.

1606tphcm.jpg

Các khoản đầu tư này có thể trở thành gánh nợ cho thế hệ tương lai, vì vậy đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng giữa nhu cầu phát triển và kỷ luật tài khóa. 

Tuy nhiên, các đại biểu đã chỉ ra chính quá trình "sắp xếp lại giang sơn" lại đang kiến tạo ra những động lực tăng trưởng mới đồng thời làm mới các động lực cũ.

Bối cảnh mới sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch hơn. Cụ thể, việc bãi bỏ thuế khoán, áp dụng hóa đơn điện tử là bước đi căn cơ để minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng và khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.

Mọi nguồn lực sẽ được giải phóng từ hoạt động cải cách thể chế thông qua việc sửa đổi đồng bộ các luật quan trọng (Luật Đầu tư công, Luật Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...) theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, cắt giảm thủ tục hành chính sẽ khơi thông các "điểm nghẽn", từ đó giúp nguồn vốn và các dự án được triển khai nhanh hơn. Đồng thời, các động lực tăng trưởng mới được thúc đẩy. Trên thực tế, cải cách thể chế đang mở đường cho các mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Và, việc xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột cho thấy quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

vuon-ca-phe-4.jpg

Cải cách thể chế đang mở đường cho các mô hình kinh tế mới, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Đồng lòng tháo gỡ khó khăn, kiến tạo tăng trưởng

Tại nghị trường, những giải pháp quyết liệt đã được đưa ra, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ nhằm biến thách thức thành cơ hội.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều vấn đề trăn trở đồng thời sâu vào các giải pháp tài chính nhằm khơi thông và nâng cao hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống.

Đại biểu Trần Thị Kim Yến nhấn mạnh một trong các giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra là tập trung khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% cũng như các giải pháp khả thi hơn để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng là 8%.

Để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Thứ nhất là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trước thực trạng giải ngân chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cam kết 3 nhóm giải pháp chính, đó là tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đặc biệt là sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp mạnh hơn. Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu gắn với các kết quả giải ngân, đây sẽ là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Thêm vào đó, vai trò các ban chỉ đạo sẽ được phát huy để đốc thúc, gỡ khó cho các dự án trọng điểm. Bộ trưởng cho biết, dù còn thách thức, 5 tháng đầu năm đã giải ngân được xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,1% kế hoạch (cao hơn cùng kỳ năm 2024) và tất cả các dự án trọng điểm quốc gia đều đạt và vượt tiến độ. Điều này cho thấy những nỗ lực bước đầu có hiệu quả.

Những giải pháp quyết liệt đã được đưa ra, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ nhằm biến thách thức thành cơ hội.

Thứ hai là kích cầu tiêu dùng nội địa. Để đối phó với sức mua còn yếu, Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thuế thu nhập cá nhân. Tổng quy mô hỗ trợ thuế, phí năm 2025 dự kiến lên tới 204.000 tỷ đồng. Các giải pháp này nhằm trực tiếp tăng thu nhập khả dụng cho người dân, củng cố niềm tin tiêu dùng.

khu-kinh-te-van-phong.jpg

5 tháng đầu năm đã giải ngân được xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,1% kế hoạch và tất cả các dự án trọng điểm quốc gia đều đạt và vượt tiến độ. 

Cuối cùng là huy động và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội. Về giải quyết bài toán thiếu vốn cho tăng trưởng, Vị tư lệnh ngành Tài chính nhấn mạnh những giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, không chỉ dựa vào ngân sách mà phải kích hoạt tối đa vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đặc biệt là phát triển mạnh thị trường vốn. Theo đó, Bộ trưởng chia sẻ thêm mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025 được xem là một nhiệm vụ đột phá để thu hút dòng vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc làm mới các động lực truyền thống, các đại biểu Quốc hội cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xác lập và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đây yếu tố quyết định sự phát triển bền vững và bứt phá của Việt Nam trong tương lai.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là "chìa khóa tạo ra sự thay đổi về chất cho nền kinh tế quốc gia." Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra "điểm nghẽn” lớn nhất trong thực thi Nghị quyết 57 hiện tại đó là nguồn tài chính từ chi tiêu công cho các mục tiêu lớn này cũng như cơ chế thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Chính phủ cam kết bố trí đủ 3% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực này trong năm 2025. Về dài hạn, giai đoạn 2026-2030, mục tiêu nguồn lực có thể lên tới 2% GDP.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trước "điểm nghẽn" về tài chính cho khoa học công nghệ, Chính phủ cam kết bố trí đủ 3% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực này trong năm 2025. Về dài hạn, giai đoạn 2026-2030, mục tiêu nguồn lực có thể lên tới 2% GDP đồng thời đòi hỏi sự chung tay của cả khu vực tư nhân. Do vậy, các cơ chế đặc thù, đột phá đang được xây dựng để khơi thông dòng vốn này. Đối với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Quốc hội đã thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các dự án xanh, tuần hoàn. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn rõ ràng, khả thi, bố trí nguồn lực đầy đủ và tăng cường truyền thông để chính sách đến đúng đối tượng, tránh thất bại như các gói trước đây.

Một trong những động lực mới được kỳ vọng là việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam. Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đề cập về những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách cho trung tâm này.

xv72199.jpg

Một trong những động lực mới được kỳ vọng là việc hình thành Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam. 

Thừa nhận đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, bao trùm nhiều lĩnh vực. Song, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đang quyết tâm triển khai. Các giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng cơ chế "sandbox" (thử nghiệm có kiểm soát) cho các sản phẩm, mô hình mới, đối thoại chính sách với các tổ chức quốc tế và xây dựng một hành lang pháp lý linh hoạt, vượt trội để thu hút dòng vốn toàn cầu.

Những quyết sách tại nghị trường cho thấy một quyết tâm chính trị rất lớn. Tuy nhiên, để các giải pháp này thực sự trở thành động lực tăng trưởng bền vững, hai yếu tố then chốt cần được đảm bảo.

Thứ nhất là sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các chính sách vĩ mô. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tầm quan trọng của sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Khi chính sách tài khóa mở rộng để kích cầu (giảm thuế, tăng đầu tư công), chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, thận trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo an toàn hệ thống. Sự "bắt tay" chặt chẽ này sẽ giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu kép - vừa tăng trưởng cao, vừa giữ vững ổn định vĩ mô.

Thứ hai là sự thực thi quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương. Các chính sách dù tốt đến đâu cũng không thể thành công nếu không được triển khai hiệu quả tại cơ sở. Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong các lĩnh vực như đầu tư, quy hoạch, đất đai, đi đôi với tăng cường giám sát và nâng cao trách nhiệm giải trình, sẽ là “chìa khóa” để khơi thông nguồn lực và tạo ra những chuyển biến thực chất.

Cuộc "sắp xếp lại giang sơn" là một hành trình đầy thách thức, đòi hỏi sự thay đổi từ tư duy đến hành động. Nhưng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống và sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, những khó khăn của cải cách sẽ được chuyển hóa thành động lực mạnh mẽ, đưa kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức, hướng tới một kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và bền vững.

1.jpg

Các giải pháp được đề xuất bao gồm xây dựng cơ chế "sandbox" cho các sản phẩm, mô hình mới, đối thoại chính sách với các tổ chức quốc tế và xây dựng một hành lang pháp lý linh hoạt, vượt trội để thu hút dòng vốn toàn cầu.

Nguồn: TTXVN