Phát triển kinh tế tư nhân tương xứng với vai trò, tiềm năng

02:32 | 27/05/2025
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết số 68) đánh dấu bước đột phá quan trọng trong tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước.
Phát triển kinh tế tư nhân tương xứng với vai trò, tiềm năng

Các diễn giả phát biểu tại Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”. 

Tuy nhiên, với bản chất chống phá và thù địch, các thế lực thiếu thiện chí, phản động lập tức tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất vấn đề hòng bóp méo, cản trở chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo khoảng 85% việc làm cho người lao động trên cả nước. Mặc dù vậy, để kinh tế tư nhân phát triển thật sự xứng tầm cần có một chủ trương nhất quán, toàn diện và sâu sắc hơn.

Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị là sự cụ thể hóa yêu cầu này với nhiều điểm mới mang tính chiến lược về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời phù hợp điều kiện thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết số 68 thể hiện sự thay đổi mang tính đột phá trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Sự thay đổi trong nhận thức, lý luận không chỉ phản ánh sự nhìn nhận, xác định, đánh giá đúng đắn vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân mà đồng thời còn phản ánh bản lĩnh đổi mới tư duy lý luận của Đảng trên cơ sở tổng kết thực tiễn gần 40 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng.

Cần nhận thức sâu sắc rằng, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế đất nước; là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tư nhân là đột phá để kích hoạt tính tiên phong, sáng tạo của khu vực này trong tạo việc làm, đóng góp vào tăng trưởng, sẵn sàng đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất mới, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam là định hướng chiến lược để nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hơn nữa, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam là định hướng chiến lược để nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm sự lệ thuộc vào lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trên cơ sở xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, Nghị quyết số 68 đặc biệt nhấn mạnh phải xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân. Không chỉ dừng lại ở yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đổi mới tư duy thống nhất cao, nhất quán nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, bước đột phá của Nghị quyết số 68 còn đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao với nhiều điểm mới so với các nghị quyết trước đó về phát triển kinh tế tư nhân nhằm hiện thực hóa thắng lợi các mục tiêu đã được xác định.

Việc ban hành Nghị quyết số 68 với những điểm mới đột phá trong cả nhận thức, lý luận về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân cho đến các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân là hết sức quan trọng, cần thiết; kịp thời nhằm tháo gỡ mọi rào cản, nút thắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, xứng đáng là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 68 được ban hành và triển khai thực hiện, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra nhiều quan điểm sai trái liên quan các nội dung trong nghị quyết hòng bóp méo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây nhiễu loạn trong nhận thức xã hội.

Các luận điệu chủ yếu tập trung vào những điểm cụ thể như: Kinh tế tư nhân chỉ phục vụ cho lợi ích cá nhân, do đó, đẩy mạnh kinh tế tư nhân là từ bỏ chủ nghĩa xã hội; coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế đồng nghĩa với việc Đảng đang đứng về phía doanh nghiệp tư nhân, bỏ quên quyền lợi người lao động, tạo ra bất bình đẳng xã hội; cố tình chia rẽ, đối lập nhằm gây mâu thuẫn giữa các thành phần kinh tế: tư nhân, nhà nước, doanh nghiệp FDI... Đây thực chất đều là những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ, đòi hỏi cần kịp thời nhận diện và đấu tranh bác bỏ.

Trước hết, nói về quyết tâm của Đảng trong việc tháo gỡ mọi rào cản, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Điều này hoàn toàn không phải là tư bản hóa nền kinh tế, từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi lẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu (mô hình kinh tế tất yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được chủ nghĩa Mác-Lênin luận chứng một cách khoa học).

Để huy động, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội nhằm thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới trong điều kiện thực tiễn Việt Nam hiện nay, việc Nghị quyết số 68 xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế là một tất yếu khách quan cũng là bước đột phá về mặt lý luận của của Đảng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Việc khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân không đồng nghĩa với việc từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong việc dẫn dắt các thành phần kinh tế khác (trong đó có kinh tế tư nhân) theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó, không có chuyện Việt Nam đang “tư bản hóa” nền kinh tế tạo tiền đề để chuyển hóa về đường lối chính trị, từ bỏ chủ nghĩa xã hội.

Đối với các luận điệu xuyên tạc vô căn cứ cho rằng, đề cao kinh tế tư nhân, coi đó là động lực quan trọng nhất tức là Đảng, Nhà nước đứng về phía doanh nghiệp tư nhân, “ưu ái doanh nhân, doanh nghiệp”, bỏ quên quyền lợi của người lao động, gây bất bình đẳng xã hội, từ thực tế có thể thấy, Nghị quyết số 68 không “ưu ái” khu vực kinh tế tư nhân mà nhìn nhận khu vực này đúng với vai trò, tiềm năng và đóng góp thực tế trong nền kinh tế. Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ không đồng nghĩa với việc khuyến khích, cổ vũ các doanh nghiệp tư nhân làm giàu bằng mọi giá, chỉ vì lợi ích của doanh nhân, doanh nghiệp.

Nghị quyết số 68 đặc biệt đề cao đạo đức kinh doanh và đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp tư nhân.

Trái lại, Nghị quyết số 68 đặc biệt đề cao đạo đức kinh doanh và đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân phải nỗ lực phấn đấu vươn lên, làm giàu chính đáng, đóng góp cho quê hương, đất nước, mang lại sự giàu có, thịnh vượng chung cho mọi giai tầng trong xã hội, trong đó có người lao động. Cụ thể, Nghị quyết khẳng định phải tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng các doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, tiên tiến, mang trong mình khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng.

Đặc biệt, Nghị quyết chỉ rõ cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với hoạt động của các doanh nghiệp để vừa bảo đảm chấm dứt tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật kinh doanh xâm hại đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, người tiêu dùng và lợi ích chung của đất nước, nhân dân.

Xét đến cùng, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo tinh thần mới của Nghị quyết số 68 không nằm ngoài mục đích giải quyết tốt việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động ngoài khu vực nhà nước, huy động cao nhất các nguồn lực nội sinh để đưa đất nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trong kỷ nguyên mới.

Đối với các luận điệu xuyên tạc vô căn cứ cho rằng, Nghị quyết số 68 khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất tức là đặt đối lập kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác, xem thường, hạ thấp các thành phần kinh tế khác... thực chất là mưu đồ nhằm phá hoại các thành phần kinh tế, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi lẽ, Nghị quyết số 68 chỉ rõ kinh tế tư nhân chỉ là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế chứ không phải toàn bộ động lực của kinh tế, điều đó cũng có nghĩa là, bên cạnh kinh tế tư nhân, các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân cũng đều là động lực quan trọng của kinh tế.

Đặc biệt, một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 68 đề ra là phải “Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI” nhằm xây dựng các chuỗi liên kết doanh nghiệp theo cụm ngành, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

Theo đó, các thành phần kinh tế phải bổ trợ, hỗ trợ nhau cùng phát triển hài hòa, đồng bộ, lấy hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước làm thước đo. Đây cũng chính là bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà ở đó các thành phần kinh tế cùng tồn tại, phát triển bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, không có sự phân biệt hay đối lập...

Mưu đồ của các thế lực thù địch khi ra sức xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, hướng lái dư luận, gây nhiễu loạn trong nhận thức xã hội là nhằm cản trở việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, cản trở việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm để tạo ra xung lực mới cho sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, từ đó hướng đến làm suy giảm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bởi thế, nhanh chóng nhận diện các luận điệu sai trái, những âm mưu, thủ đoạn hiểm độc ẩn sau những luận điệu này và kịp thời phản bác có hiệu quả là hết sức quan trọng và cần thiết.

Các cấp, ngành cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết số 68, nhất là những điểm mới, điểm đột phá, để cán bộ, đảng viên và người dân nắm vững, hiểu đúng bản chất. Đồng thời cần nhanh chóng triển khai có hiệu quả, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường.

Nguồn: Nhân dân