Sản xuất công nghiệp năm 2025: Cơ hội "vàng" từ nguồn vốn FDI

02:08 | 14/02/2025
Năm 2025, sản xuất công nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đó để phát triển bứt phá về "chất".
Sản xuất công nghiệp năm 2025: Cơ hội

Cơ hội từ dòng vốn FDI

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những nguồn vốn quan trọng cho sản xuất công nghiệp nước ta, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD. Trong đó, sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, bước sang năm 2025, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng đầu năm đã có hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, năm 2025, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Sự ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sản xuất công nghiệp. Trong đó, những cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp ngành công nghiệp nước ta có thể kể đến như thu hút nhà đầu tư nước ngoài "rót" vốn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu…

Thực tế cho thấy, nguồn vốn FDI là yếu tố rất quan trong sẽ có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp nước ta, không chỉ giúp tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước mà còn tăng cường năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thông qua việ chuyển giao công nghệ và thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực công nghiệp quan trọng này, giúp tăng cường năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong nước.

Sản xuất công nghiệp năm 2025: Cơ hội vàng từ nguồn vốn FDI - Ảnh 1.

Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước.

Đơn cử, sản xuất công nghiệp da giày và dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo ra việc làm cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, "năm 2025, hai ngành công nghiệp này sẽ đối mặt với nhiều thách thức như sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, sự thiếu hụt về lao động có kỹ năng và trình độ, và sự cần thiết phải đầu tư vào công nghệ và thiết bị hiện đại... Trước tình hình đó, rõ ràng, việc thu hút nguồn vốn FDI đối với ngành là rất cần thiết để góp phần hỗ trợ giải quyết những điểm yếu và là đòn bẩy cho hai ngành xuất khẩu chủ lực này phát triển", ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Ông Cẩm cho biết thêm, thời gian qua, ngành dệt may nước ta đã trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút vốn FDI, thông qua đó đã giúp nâng cao năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu. Việt Nam hiện đang có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may, với tổng mức đầu tư trên 37 tỉ USD.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, năm 2025, với sự gia tăng của nguồn vốn FDI, thương mại điện tử và logistics, doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao nội lực, dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu và tham gia vào các chuỗi cung ứng phức tạp. "Thực tế trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, trong thời gian dài qua, nhiều doanh nghiệp được hưởng nguồn vốn FDI đã áp dụng hiệu quả các phương thức quản lý và công nghệ hiện đại, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường", ông Anh nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, nguồn vốn FDI còn đem đến cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Yếu tố vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nâng cao năng lực quản lý và điều hành hiệu quả nguồn vốn FDI

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng ngành công nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Một trong những thách thức lớn nhất là việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về lao động có kỹ năng và trình độ cũng là một thách thức lớn bởi với sự phát triển của công nghệ 4.0, doanh nghiệp cần có lao động có kỹ năng và trình độ để có thể vận hành và quản lý các hệ thống sản xuất phức tạp.

"Một trong những thách thức rất lớn đối với sản xuất công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo chính là việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Với sự gia tăng của sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Điều đó bắt buộc ngành công nghiệp, doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo tiêu chí chất lượng sản phẩm của thị trường; đầu tư vào các công nghệ sạch, cũng như việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường…Một trong những lời giải quan trong cho bài toán này là nguồn vốn FDI", ông Hùng phân tích.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, để thu hút thành công và tận dụng hiệu quả nguồn vốn FDI cho sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước cần phải tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh.

"Các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược ưu tiên cho việc áp dụng công nghệ và thiết bị hiện đại. Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cần phải tăng cường năng lực quản lý và điều hành, để có thể quản lý và điều hành hiệu quả nguồn vốn FDI", ông Hùng khuyến nghị.

Về phía nhà nước, ông Cẩm cho rằng, chúng ta cần đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp. Mặt khác, Việt Nam cũng cần tiếp tục hội nhập sâu, có chất lượng vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu một cách tự tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp Việt cần phải tăng cường hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp nước ngoài để thông qua đó có những mối làm ăn, đầu tư vả từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh, nắm bắt cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. "Cơ hội luôn đi kèm với thách thức, song với sự quyết tâm và nỗ lực của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và trở thành một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Nguồn: VTV.VN