Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện phát triển bền vững

02:50 | 27/11/2024
Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2024.
Việt Nam là một điểm sáng trong thực hiện phát triển bền vững

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Quang Lộc/congthuong.vn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư tại Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, diễn ra sáng nay (26/11), tại Hà Nội, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện phát triển bền vững (SDGs).

Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng trong giai đoạn 2016 - 2024. Theo đó, Việt Nam từ xếp hạng 88/149 nước năm 2016 đã tăng lên vị trí 54/166 quốc gia được xếp hạng năm 2024. Về điểm số, năm 2024, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam đạt 73,32 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Tuy vậy, cẫn còn nhiều thách thức trong phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong số 105 mục tiêu cụ thể, Việt Nam có 36 mục tiêu đi đúng tiến độ, có thể đạt được vào năm 2030 (chiếm khoảng 34%), có 52 mục tiêu cần thúc đẩy thực hiện (chiếm khoảng 50%) và 17 mục tiêu bị giảm tốc (chiếm khoảng 16%). Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho rằng: “Cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc huy động nguồn lực và trực tiếp thực hiện các SDGs. Việc thực hiện các SDGs đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực không ngừng từ tất cả các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo, giám sát và đánh giá thực hiện SDGs cũng cần tiếp tục hoàn thiện và đồng bộ.”

Để đạt được mục tiêu SDGs đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ thực hiện các mục tiêu SDGs đồng bộ, thống nhất và bám sát khung khổ SDGs toàn cầu. Lồng ghép các lĩnh vực trong tâm cho thực hiện SDGs trong giai đoạn 2026-2030. Điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu để phù hợp với chiến lược, chính sách được ban hành trong thời gian qua và khả thi để đạt được vào năm 2030.

Nguồn: VOV