Việt Nam xứng đáng được hoan nghênh với những cam kết kiên định tại Liên Hợp Quốc
Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng LHQ (19-25/9), bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên TT LHQ tại Việt Nam chia sẻ về những nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam.
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ với phóng viên
về việc thực hiện các SDG. (Ảnh: Phương Hằng)
Hướng tới "Kế hoạch giải cứu con người và hành tinh"
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam cho biết Hội nghị thượng đỉnh SDG đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu này cho đến thời điểm hiện tại, nhìn nhận lại những mục tiêu nào đang đi đúng hướng, những mục tiêu nào chưa đạt được tiến độ như mong muốn.
Theo bà Rana Flowers, đây chính là thời điểm then chốt trong tiến trình phát triển của cả thế giới, khi mà các quốc gia, theo lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ, cùng cam kết tăng tốc, tạo bước đột phá để đảm bảo hành tinh mà chúng ta đang sống sẽ phát triển mạnh mẽ hơn vào cuối thập kỷ này. "Chúng ta có thể làm được rất nhiều điều trong vòng 7 năm tới, với những ý chí chính trị đúng đắn", bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Quyền Điều phối viên thường trú LHQ nhận định: "Nhìn từ những cuộc khủng hoảng phức tạp và đan xen đang diễn ra và tác động của chúng đến thế giới có thể thấy những tiến bộ mà chúng ta đạt được cho đến nay cho thấy những hứa hẹn, cam kết đang trong tình trạng nguy hiểm (khả năng hoàn thành các cam kết đã được đặt ra đang gặp rất nhiều khó khăn). Chính vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh năm nay phải thể hiện một bước ngoặt, với lời kêu gọi hành động khẩn cấp, đảm bảo cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới, tạo động lực và sự đột phá, để đưa ra một 'Kế hoạch giải cứu con người và hành tinh' với các mục tiêu cụ thể".
Theo bà Rana Flowers, Chính phủ Việt Nam sẽ đem tới Hội nghị thượng đỉnh năm nay một báo cáo quốc gia, trong đó thể hiện những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được. Cùng với sự tham dự của các nhà lãnh đạo khác, Việt Nam sẽ cam kết mạnh mẽ để giải quyết những lĩnh vực còn hạn chế, cần nguồn tài trợ của Chính phủ, những lĩnh vực còn thiếu dữ liệu, cần có hành động bảo vệ đa dạng sinh học, hành động ngăn chặn tốc độ khủng hoảng khí hậu và xác định các nhóm yếu thế có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
"Những cam kết mà Việt Nam trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh SDG là minh chứng cho sự phát triển về con người, cũng như cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với Chương trình nghị sự 2030 với 17 SDG – giữ vững lời hứa không để ai bị bỏ lại phía sau", bà Rana Flowers nhận định.
Hành động càng mạnh mẽ càng thu hút nguồn lực
Theo Quyền Điều phối viên thường trú LHQ, những cam kết và hành động của Việt Nam trong báo cáo SDG sắp tới là rất quan trọng.
Theo đó, là một trong những quốc gia đạt được tiến bộ khá tốt về SDG, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia khác.
Là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế hội nhập và tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam có thể sử dụng tiếng nói của mình một cách hiệu quả để đóng góp ý tưởng, thúc đẩy tăng cường đầu tư và đổi mới, nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các SDG.
Các cam kết, hành động của Việt Nam đối với các SDG bền vững trong tương lai càng mạnh mẽ, thì càng có nhiều đối tác phát triển sẽ tích cực cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để đẩy nhanh các SDG, bao gồm cả việc giải quyết vấn để khủng hoảng khí hậu – trong lúc Việt Nam nằm trong 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Tôi tin rằng, đến với Hội nghị thượng đỉnh lần này, Việt Nam sẽ thể hiện tiến bộ mạnh mẽ của mình, cũng như phản ảnh những lĩnh vực mà các bạn còn chưa có nhiều tiến bộ như mong đợi", Quyền Điều phối viên thường trú LHQ nói.
Thực tế là Việt Nam hiện đang nhanh chóng trở thành một cường quốc về sản xuất pin năng lượng mặt trời, giảm sự lệ thuộc vào than đá, bên cạnh đó là những nỗ lực về bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo nguồn nước sạch, chuyển đổi trong hệ thống giáo dục, giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, cải thiện dinh dưỡng trẻ em… Đây là những ví dụ điển hình về các chỉ số phát triển đáng được quan tâm ngày nay, không chỉ vì đánh giá toàn cầu trong 7 năm tới mà vì các quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực này sẽ dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, bảo vệ hành tinh và sự thịnh vượng cho người dân của mình.
Xây dựng lộ trình để lấp đầy khoảng trống
Quyền Điều phối viên thường trú LHQ đánh giá Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể ở nhiều mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, Việt Nam đã đạt tiến bộ lớn trong những mục tiêu liên quan đến xóa đói, giảm nghèo; quyền tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh; phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng cũng như tiếp cận công nghệ thông tin và Internet.
Tuy nhiên, theo bà Rana Flowers, đại dịch Covid-19 và những khủng hoảng khác đã cho thấy những dấu hiệu tiến độ của một số mục tiêu đang có nguy cơ bị đảo ngược. Có thể kể đến như quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước và đa dạng sinh học, chia sẻ năng lượng tái tạo…
Mặc dù Việt Nam có thể đạt được một số mục tiêu ở cấp quốc gia vào năm 2030, nhưng bà Rana Flowers cho rằng vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền và các nhóm dễ bị tổn thương (như dân tộc thiểu số, lao động nhập cư, người khuyết tật, thanh thiếu niên, người già và những nhóm khác) vẫn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, những vấn đề vẫn tồn tại này đang bị che khuất so với mức trung bình toàn quốc.
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam
11:46 | 28/04/2021
Xuất khẩu gạo giảm khối lượng, tăng chất lượng
03:17 | 02/01/2021
Hà Nội sẵn sàng nguồn cung hàng hóa
01:39 | 09/03/2020
12 năm đưa hàng hóa tại Việt Nam niêm yết liên thông thế giới
10:16 | 31/08/2022
Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất 10 năm qua
14:29 | 29/06/2018
Hàn Quốc giữ vững 'quán quân' FDI tại Việt Nam
07:32 | 30/10/2019
Các tin bài khác