Phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với bảo tồn di sản

02:21 | 14/01/2025
Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những loại hình du lịch nổi bật ở nước ta.
Phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với bảo tồn di sản

Nhà thờ Đức Bà. Ảnh: TTXVN

Hệ thống các di tích, di sản văn hóa là tài nguyên, nền tảng để nhiều địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch này, đáp ứng nhu cầu du khách; đồng thời góp phần thiết thực bảo tồn giá trị văn hóa di sản.

Đa dạng điểm đến, trải nghiệm

Với khoảng trên 41.000 di tích lịch sử, văn hóa, 9.000 lễ hội trong cả nước, du lịch Việt Nam có thế mạnh nổi trội để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Khánh Ly (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), du lịch văn hóa tâm linh là hình thức du lịch dựa trên cơ sở khám phá văn hóa, tín ngưỡng, không chỉ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mà còn chứa đựng nhiều giá trị, trải nghiệm tinh thần thiêng liêng.

Hiện, du lịch tâm linh ở Việt Nam phát triển theo hai hình thức chủ yếu là du lịch tâm linh gắn liền với đức tin và tôn giáo; du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ngoài ra, còn có các hình thức như du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng họ, thể hiện sự tri ân báo hiếu.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết: Là thành phố đa văn hóa, đa sắc màu các dân tộc, trên địa bàn có khá nhiều điểm đến du lịch văn hóa tâm linh. Tiêu biểu như chùa Ngọc Hoàng ở Quận 1 được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, cổ kính nhuốm màu thời gian và sự linh thiêng. Cùng ở Quận 1 có Nhà thờ Đức Bà kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu, là điểm đến tham quan của hầu hết du khách khi đến TP Hồ Chí Minh. Hoặc Nhà thờ Tân Định (Quận 3) mang “tấm áo” màu hồng đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước ghé thăm, chiêm ngưỡng, thực hành tôn giáo...

Cùng ở Đông Nam Bộ, du lịch văn hóa tâm linh là sản phẩm du lịch mũi nhọn được tỉnh Tây Ninh quan tâm phát triển, thu hút du khách trong những năm gần đây. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Thị Huy Hoàng thông tin: các điểm đến trọng điểm như Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, hồ Dầu Tiếng đang tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh của du khách đến Tây Ninh. Trong đó, Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với hệ thống chùa Bà và các công trình tâm linh kỳ vĩ ở độ cao 986m trên đỉnh núi đã đưa nơi đây trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh đặc sắc bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ. Không những thế, tại quần thể khu du lịch này hằng năm còn có rất nhiều lễ, hội gắn với tín ngưỡng, văn hóa tâm linh như: lễ vía Đức Phật Di Lặc, hội Xuân Núi Bà Đen, lễ hội truyền thống động Kim Quang, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát, lễ Phật đản, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, lễ Vu lan báo hiếu, lễ hội Rằm Trung Thu...

Thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang có điểm đến du lịch văn hóa tâm linh nổi bật là Di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam ở thành phố Châu Đốc. Cùng với đó, cuối năm 2024 vừa qua, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của di sản trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân An Giang, trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ, đồng thời là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm thu hút đông đảo du khách.

Gắn kết với bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa

Chú thích ảnh

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Đại diện nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành đều cho rằng, dịp Tết đến, Xuân về hoặc thời điểm tại các di tích, di sản có lễ hội, các hoạt động thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, rất nhiều du khách chọn điểm đến tâm linh, vừa kết hợp chiêm bái, tham quan và thực hiện các hoạt động tâm linh, thành tâm mong muốn mọi người, mọi nhà bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại một số nơi vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng để phát huy hiệu quả giá trị của di tích, di sản, vừa phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống người dân tại khu vực điểm đến.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Nhu cầu du lịch tâm linh đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh phát triển. Tuy nhiên, việc khai thác loại hình du lịch sao cho hiệu quả và bền vững, góp phần mang lại lợi ích cho địa phương, tăng thu nhập cho người dân, phát huy giá trị di tích là những vấn đề không đơn giản, đòi hỏi sự tham gia có trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của di sản, đồng thời tăng cường kết nối nhiều điểm đến, tạo các tour du lịch chuyên đề để du khách có cơ hội tìm hiểu sâu hơn giá trị của di tích, di sản gắn với thực hành các nghi thức văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được xem là giải pháp phù hợp.

Thạc sĩ Vũ Văn Đạt (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) phân tích: Du lịch văn hóa tâm linh thường gắn với những không gian văn hóa có yếu tố linh thiêng. Ở đó, du khách tham quan, cúng tế, cầu nguyện, thiền, chiêm bái, tham gia lễ hội... Do đó để phát triển loại hình du lịch này, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác nhiều tour du lịch văn hóa tâm linh, xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với văn hóa tâm linh. Đặc biệt, cần tăng cường kết hợp du lịch văn hóa tâm linh với các loại hình khác như du lịch sinh thái, homestay, du lịch ẩm thực… để chuyến tham quan, trải nghiệm của du khách thêm hấp dẫn.

Ngoài ra, ban quản lý các di tích, ban tổ chức lễ hội, chính quyền và dân cư địa phương xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, tổ chức cung cấp các dịch vụ bổ trợ phù hợp cho du khách khi đến điểm du lịch văn hóa tâm linh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết của cộng đồng dân cư, thực hiện tốt các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Chính quyền, ngành chức năng tuyên truyền ý thức về giá trị di sản, di tích gắn với quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân trong tham gia cung ứng dịch vụ, hàng hóa phục vụ du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tâm linh, thực hiện ứng xử văn minh, kinh doanh các dịch vụ một cách có văn hóa, lành mạnh.

Từ góc độ địa phương, phát triển du lịch tâm linh gắn bảo tồn di sản, qua đó thiết thực phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế, từng địa phương có các giải pháp phù hợp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, tỉnh đẩy mạnh nâng cao các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới; tăng cường xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh. Tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị phục vụ Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen, khu tham quan chuyên đề, nghỉ dưỡng trên núi, thu hút du khách đến và trải nghiệm nhiều hơn, qua đó phát huy, lan tỏa giá trị của điểm đến du lịch, trong đó có du lịch văn hóa tâm linh.

Đại diện UBND tỉnh An Giang cho hay: Một trong những điểm đến nổi bật ở địa phương là Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, đồng thời gắn với di tích lịch sử, văn hóa này là Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mới được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào, tạo nhiều cơ hội, song cũng đặt ra trách nhiệm bảo tồn di sản, lan tỏa bản sắc văn hóa.

Thời gian tới, An Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm du lịch đã được qui hoạch tập trung vào các khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng là Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Khu Du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư, Khu Du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba và Khu Di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê. Tỉnh cũng tăng cường phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao, trong đó có các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn trải nghiệm, tôn vinh giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, di sản, góp phần phát triển hiệu quả công nghiệp văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân.

Nguồn: TTXVN