Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Senegal và Morocco

03:16 | 21/07/2025
Thông qua việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Senegal và Morocco, hai quốc gia có vai trò và vị trí quan trọng ở khu vực Tây Phi và Bắc Phi, các bên có thể tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh.
Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Senegal và Morocco

Senegal là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Senegal được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực Tây Phi. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2025, Senegal có thể tăng trưởng 8,3%, mức cao nhất khu vực. Là quốc gia có vị thế quan trọng tại Tây Phi, nền kinh tế Senegal đang phát triển nhanh chóng, sở hữu chính sách thương mại cởi mở và là thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi - tổ chức có ảnh hưởng trong cộng đồng kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Senegal cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), cơ chế hội nhập đang mở ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn lục địa châu Phi với hơn 1 tỷ dân.

Bởi thế, Senegal có thể đóng vai trò là cửa ngõ để hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Tây Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể là điểm trung chuyển và bàn đạp quan trọng giúp Senegal tiếp cận thị trường ASEAN, từ đó mở rộng hiện diện tại khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù Việt Nam và Senegal có nhiều tiềm năng và thế mạnh để thúc đẩy hợp tác, song trên thực tế, trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 81,16 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 43,91 triệu USD chủ yếu là hạt tiêu, hàng dệt may, rau quả và nhập khẩu 37,25 triệu USD chủ yếu là hạt điều, thức ăn gia súc. Là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo nhiều ở châu Phi, Senegal là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị thương mại song phương còn thấp và hai bên vẫn chưa có các dự án hợp tác đầu tư vào thị trường của nhau.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal Trần Quốc Khánh, để hiện thực hóa được những tiềm năng này, hai nước cần nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là ở cấp độ doanh nghiệp và chính quyền. Các yếu tố như khoảng cách địa lý, khác biệt về chuẩn mực kỹ thuật, hệ thống thanh toán quốc tế hay cơ sở hạ tầng logistics... vẫn còn là những thách thức cần được tháo gỡ.

Trong khi đó, nằm ở Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, Morocco rất có thế mạnh về du lịch (trung bình đón hơn 10 triệu khách du lịch mỗi năm). Hệ thống tài chính Morocco tương đối phát triển, với Casablanca được coi là trung tâm tài chính thứ 2 châu Phi, sau Johanesburg của Nam Phi. Morocco mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN, trở thành Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực. Ngày 24/7/2016, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 đã tuyên bố kết nạp Morocco làm thành viên Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Tháng 9/2023, Morocco chính thức trở thành Đối tác theo lĩnh vực của ASEAN.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Morocco ghi nhận nhiều tiến triển đáng kể, khi năm ngoái đã diễn ra hàng loạt chuyến thăm chính thức nhằm tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác nghị viện, kinh tế, bảo tồn di sản lịch sử chung và giao lưu nhân dân.

Trong lĩnh vực kinh tế, kỳ họp lần thứ hai của Tiểu ban Hợp tác Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Morocco, diễn ra vào tháng 11/2024 tại Rabat đã nêu bật nhiều lĩnh vực tiềm năng hợp tác như công nghiệp Halal, luyện kim, phân bón, hàng không, dệt may và giày dép. Morocco bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp Halal tại khu vực Đông Nam Á, được minh chứng qua sự tham gia của Viện Tiêu chuẩn Morocco (IMANOR) tại Hội nghị Quốc tế về Công nghiệp Halal lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2024.

Ngành công nghiệp Halal và du lịch là những lĩnh vực đầy triển vọng, có thể đóng góp quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ hợp tác song phương giữa Morocco và Việt Nam trong những năm tới. Riêng với ngành công nghiệp Halal, với giá trị ước tính lên đến hàng nghìn tỷ USD, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường quốc tế. Morocco, nhờ kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực chứng nhận Halal, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam bằng cách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có chứng nhận Halal, đặc biệt hướng tới các quốc gia Hồi giáo ở châu Phi và Trung Đông cũng như các quốc gia châu Âu có cộng đồng Hồi giáo lớn. Về du lịch, Morocco và Việt Nam, hai điểm đến hấp dẫn với các di sản lịch sử, sự đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo có tiềm năng hợp tác trong việc quảng bá các hành trình du lịch kết nối giữa hai nước.

Thông qua việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với Senegal và Morocco, hai quốc gia có vai trò và vị trí quan trọng ở khu vực Tây Phi và Bắc Phi, các bên có thể tìm kiếm nhiều cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh. Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng hành của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp các bên, Việt Nam cùng với Senegal và Morocco có thể trở thành những cầu nối kinh tế và hợp tác hiệu quả không chỉ trên bình diện song phương mà còn ở cấp độ tiểu khu vực và khu vực.

Nguồn: Nhân dân