Trại Hè Việt Nam 2025: Văn hóa cồng chiêng kết nối kiều bào trẻ với quê hương đất nước
Chương trình văn hóa cồng chiêng “Âm vang đại ngàn” giúp gắn kết những kiều bào trẻ khắp nơi trên thế giới với quê hương, đất nước. (Ảnh: Thành Long)
Chương trình văn hóa cồng chiêng Âm vang đại ngàn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức. Tham dự có sự góp mặt của bà Ngô Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk; cùng 110 thanh niên kiều bào đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại chương trình, các kiều bào trẻ được thưởng thức, hòa mình vào những giai điệu độc đáo của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.
Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng “Âm vang đại ngàn”, tối ngày 15/7 tại TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Thành Long)
Buổi biểu diễn có sự tham dự của bà Ngô Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (phải) và bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Thành Long)
Các kiều bào trẻ hào hứng tham dự chương trình. (Ảnh: Thành Long)
Cồng chiêng, đối với người Tây Nguyên, không chỉ là báu vật, tiếng nói tâm linh, tâm hồn con người mà còn diễn tả niềm vui, nỗi buồn và gắn liền với cuộc sống trong lao động, sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây.
Không chỉ thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các kiều bào trẻ còn được trải nghiệm chơi thử những nhạc cụ truyền thống dân tộc của người Tây Nguyên như đàn Đinh Pá hay đàn T’Rưng.
Bạn Vilatda My, kiều bào đến từ Lào trải nghiệm chơi đàn T'Rưng. (Ảnh: Thành Long)
Chia sẻ với phóng viên, bạn Vilatda My, kiều bào đến từ Lào cho biết: “Ở Lào cũng có những nhạc cụ truyền thống như đàn Phin và các loại trống, cồng chiêng tương tự như ở Đắk Lắk nên em phần nào cảm thấy khá gần gũi và thân thuộc”.
Còn đối với bạn Đỗ Đắc Bằng, kiều bào đến từ Nga, đây là lần đầu tiên em được nhìn thấy và thưởng thức giai điệu từ những nhạc cụ như vậy: “Em rất tò mò muốn được lên chơi thử những nhạc cụ truyền thống của người dân tộc nơi đây. Em mong sẽ có nhiều những trải nghiệm thú vị như thế này để em có thêm sự gắn kết với quê hương, nguồn cội của mình”.
Bạn Đỗ Đắc Bằng, kiều bào đến từ Nga chơi thử đàn Đinh Pá, một nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Êđê. (Ảnh: Thành Long)
Kết thúc chương trình, các kiều bào trẻ và những nghệ sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa – Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã cùng đứng lên, nắm bàn tay, truyền hơi ấm cho nhau, hòa vào vòng xoay hát chung bài Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột khép lại một buổi tối sôi động, đáng nhớ.
Các tin bài khác