Thủ tướng dự hội nghị thượng đỉnh G20 về ứng phó với dịch Covid-19

12:28 | 27/03/2020
Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận sẽ cùng hành động để vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 như đã từng vượt qua khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Thủ tướng dự hội nghị thượng đỉnh G20 về ứng phó với dịch Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà Lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G20), trong đó Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Anh, Italia, Hàn Quốc và Trung Quốc đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của G20 trong thời điểm thế giới đang trải qua thời khắc khó khăn nhất, khi đại dịch Covid-19 đã bùng phát ở gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trên nửa triệu người mắc bệnh và trên 24 nghìn người tử vong. Có nhà lãnh đạo cho rằng, loài người đang ở một thời điểm vô tiền khoáng hậu trong lịch sử và đối mặt với cuộc khủng hoảng về y tế của thời đại.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định "Không thể tưởng tượng được con virus này đang lây lan nhanh với tốc độ thế nào. Tăng 100 nghìn người mắc chỉ trong 2 ngày là cực kỳ nghiêm trọng. Nếu không có hành động chung giữa tất cả các nước hàng triệu người sẽ thiệt mạng."

Như lời Thủ tướng Ấn Độ, G20 chiếm 80% kinh tế thế giới, nhưng có tới 90% bệnh nhân và 80% người tử vong vì Covid-19 là ở Nhóm nước này. Tại cuộc họp trực tuyến, ít nhất có 2 nhà lãnh đạo G20 đang cách ly y tế. Nhưng các nhà lãnh đạo cũng cho rằng chúng ta đừng để nỗi sợ làm chúng ta bị tê liệt và cần thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của người dân. Còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ

"Tôi rất vui phát biểu với các quý vị từ nhà riêng vì tôi đang phải cách ly. Và tôi xin thông báo là Canada đã có thể kiểm soát được dịch bệnh này. Vẫn có khá nhiều người mắc bệnh, nhưng chúng tôi không bị tăng theo cấp số nhân. Tuy vậy, tôi vẫn phải nói Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu và cần phải có cách đối phó toàn cầu. Con virus này không tôn trọng biên giới, nên chúng ta không thể hành động một mình."

Các nhà lãnh đạo nhất trí tạo nên một mặt trận thống nhất để chống lại Covid-19 và vực dậy nền kinh tế. Theo đó, các nước sẽ chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch, đồng thời phối hợp trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin và thuốc đặc trị. Trong đó, Anh đề nghị ủng hộ thêm 255 triệu đô la Mỹ để tăng tốc phát triển vaccine.

Để vực dậy các nền kinh tế, giảm thiểu các tác động đối với xã hội các nhà lãnh đạo G20, nhất là Mỹ, Nhật Bản và Nga sẽ sử dụng các chính sách tài khóa và biện pháp kinh tế lên đến 5.000 tỷ đô la Mỹ.

Với vai trò là Chủ ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị này khẳng định trách nhiệm và đóng góp của Việt Nam và ASEAN vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống đại dịch Covid-19, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và kết quả phòng chống dịch của Việt Nam trong 3 tháng qua. Bởi ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán từ cuối tháng 1, Việt Nam là những nước đầu tiên trên thế giới đã triển khai ngay các giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt  để kiểm soát được dịnh bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, giữa tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của khu vực trước bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Nguồn: VTV4.VTV.VN