Kiều bào hỗ trợ trẻ em yếu thế trong Không gian trưng bày "Kết nối yêu thương"

04:58 | 02/07/2022
Các em đã có những mái ấm với sự chăm sóc tốt đẹp hơn, các em đã vượt qua sự “yếu thế” mà nhiều người từng nghĩ.
Kiều bào hỗ trợ trẻ em yếu thế trong Không gian trưng bày

Ông Phan THanh Hải, Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế (bìa phải) tham quan không gian trưng bày

Ngày 1/7, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế diễn ra lễ khai mạc Không gian trưng bày với chủ đề “Kết nối yêu thương”. Sự kiện quy tụ hàng trăm sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ bàn tay của các em nhỏ yếu thế, được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội trên địa bàn, trong đó có đóng góp đáng kể của kiều bào từ nhiều quốc gia.

Chương trình này nằm trong khuôn khổ các hoạt động theo Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Những tác phẩm mang thông điệp về sự nỗ lực vượt khó

Không gian Trưng bày có sự phối hợp tổ chức của 6 đơn vị, mái ấm cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Ngoại vụ và sự hỗ trợ của Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Một góc không gian trưng bày

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: "Được sự hỗ trợ, chăm sóc của các tổ chức thông qua sự tài trợ của các kiều bào, nhiều trẻ em khuyết tật, các em gặp khó khăn trong cuộc sống đã không ngừng vươn lên, phát triển niềm đam mê sáng tạo của bản thân mình, đã cho ra đời những sản phẩm tranh đầy màu sắc, thể hiện khát vọng vươn lên trong cuộc sống, bảo vệ một môi trường xanh sạch đẹp. Những sản phẩm các em gửi đến trong buổi giới thiệu hôm nay chính là một thông điệp  mạnh mẽ về sự nỗ lực, tinh thần lạc quan phấn đấu không mệt mỏi để có một cuộc sống tích cực đầy ý nghĩa. Thông qua các bức tranh, sản phẩm, các em đã chuyển tải niềm tin tích cực vào cuộc sống này, đóng góp cho xã hội những mầm xanh tươi sáng, vượt lên những khó khăn trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt".

Đại diện các cơ quan hữu quan tại không gian Trưng bày

6 đơn vị tham gia Trưng bày bao gồm: Tổ chức FHF (Hội thân hữu Huế), Làng Trẻ em SOS  Huế, Trung tâm Hỗ trợ trang bị trường học và Giáo dục Huế, Tổ chức Design Capital Asia, Trung tâm Bảo trợ Người khuyết tật Tịnh Trúc Gia ngoài công lập, Trung tâm Bảo trợ Trẻ em An Tây.

Thay mặt cho các đơn vị tham gia trưng bày, anh Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Tịnh Trúc Gia chia sẻ: "Qua buổi trưng bày này, ngoài kết quả là những sản phẩm “hữu hình”, chúng tôi mong muốn cho mọi người thấy những kết quả tốt đẹp hơn là các em được nuôi dưỡng, các em có khó khăn đặc biệt, các em có những hoàn cảnh đăc biệt khác nhau… đã thực sự tiến đến một giá trị mới: các em đã có những mái ấm với sự chăm sóc tốt đẹp hơn, các em đã vượt qua sự “yếu thế” mà nhiều người từng nghĩ. Giờ đây, các em có thể cho chúng ta thấy được giá trị đóng góp cho xã hội với chính đôi bàn tay vượt khó này là những sản phẩm có chất lượng, có giá trị, có  nhiều vẻ đẹp, và như chúng tôi nhìn nhận về khía cạnh nghệ thuật: cái đẹp đang tỏa sáng trong mỗi tâm hồn vượt khó của các em".

Làng trẻ em SOS Huế, trước đây là Trung tâm bảo trợ trẻ em Thuỷ Xuân, được thành lập vào năm 2000 do vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân đứng đầu làm Chủ tịch Hội, hoạt động đến đây đã hơn 20 năm, do Hội giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp (AEVN) thành lập. Vào tháng 01/2015, trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân được chuyển giao vào hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam, thuộc hệ thống Làng trẻ em SOS Quốc tế và đổi tên thành Làng trẻ em SOS Huế và đây là Làng trẻ em SOS thứ 17 trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia Ngoài công lập được thành lập từ năm 2009 - là nơi sống và làm việc của thanh thiếu niên và người trưởng thàn khiếm khuyết về trí tuệ dựa theo phong trào Camphill. Trung tâm được thành lập với mục đích tạo một nơi sống, học tập và làm việc dành cho các thanh thiếu niên khiếm khuyết về trí tuệ. Đồng thời, hướng đến xây dựng một môi trường sống lành mạnh, nâng cao phẩm chất đóng góp xây dựng, tạo điều kiện phát triển dễ dàng cho mỗi cá nhân. Hiện nay có khoảng 40 thanh thiếu niên và người trưởng thành đang sống nội trú và học tập tại đây.

Design Capital Asia (DCA) là một tổ chức phi chính phủ. Mục đích của tổ chức là góp phần xây dựng những cộng đồng bền vững về kinh tế, y tế cộng đồng và môi trường mà trong đó mọi người đều được hưởng một nền giáo dục tốt, một hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng phù hợp và tiếp cận với những cơ hội phát triển kinh tế tiềm năng. DCA hiện đang triển khai 03 chương trình chính bao gồm: chương trình y tế công cộng, chương trình phát triển kinh tế và chương trình môi trường.

Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây, TP. Huế được thành lập từ năm 2007 nhờ tấm lòng hảo tâm của bà Nguyễn Trần Thị Tri - một Việt kiều Thụy Sỹ . Trung tâm tiếp nhận các em từ 26 tháng tuổi đến 20 tuổi (học đại học năm thứ 3) là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa,có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ sự chung tay, góp sức của các nhà tài trợ Hội AEVHS cùng những tấm lòng hảo tâm trong xã hội, các em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ trẻ em An Tây đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và biết chia sẻ với những người còn khó khăn.

FHF- Friends of Hue Foundation được chính thức thành lập vào tháng 05 năm 2000 tại San Jose bởi ông Nguyễn Đình Hữu (hay còn được gọi với cái tên thân thương là Bác Hữu) và hiện đang được điều hành dưới sự lãnh đạo bởi cô Jenny Đỗ. Tổ chức FHF được hình thành nhằm mục đích hỗ trợ các nạn nhân của trận đại hồng thủy tháng 11 năm 1999 tàn phá miền Trung Việt Nam, đặc biệt là những người cư trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổ chức FHF đã sáng lập và điều hành mái nhà chung Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Xuân Phú với mục đích nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm hiện đã và đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho hơn 100 lượt em, tạo điều kiện cho các em được đến trường, vui chơi cùng bạn bè đồng trang lứa…

Nguồn: VOV