Ba thế hệ với tình yêu quê hương Việt Nam
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thái
Ngày 30/4 năm ấy ở Đài phát thanh Sài Gòn, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Thái, khi ấy là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài gòn, dẫn chương trình cho Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng lịch sử và chính uỷ Quân đội nhân dân Việt Nam Bùi Văn Tùng đại diện lực lượng giải phóng chấp nhận lời đầu hàng.
Đã 3 thế hệ, kể từ ngày 30/4/1975, đến ngày hôm nay 30/4/2025. 50 năm đã trôi qua, và trong rất nhiều hoạt động, hành động có ý nghĩa để hoà hợp, hoà giải dân tộc qua chặng đường dài ấy, thì người trong cuộc, KTS Nguyễn Hữu Thái đã cho ra đời cuốn sách nghiên cứu "30/4/1975 – sau 50 năm nhìn lại".
Ông Nguyễn Hữu Thái, cùng con trai của ông - chuyên gia kinh tế, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Thái Hoà, và đặc biệt là thế hệ thứ 3, người cháu nội của ông - đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Trâm Anh chia sẻ về cuốn sách này cũng như những góc nhìn từ ba thế hệ trong một gia đình về ngày độc lập thống nhất đất nước.
Phần 1: Chứng nhân của thời khắc lịch sử
PV: Vâng thưa kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, khi nghe lại đoạn băng ghi âm về ngày, ông có suy nghĩ như thế nào ạ?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Bây giờ nghe lại đoạn băng ghi âm của ngày 30/4/1975, thật sự tôi rất xúc động, những hình ảnh như hiện diện trước mặt mình. 50 năm là đã qua 2 thế hệ rồi. Thế hệ chúng tôi là những người của thế kỷ trước đã bắt đầu một cuộc hành trình của sinh viên cả chục năm để tới năm 1975. Đến giờ đã 2 thế hệ tiếp theo, là thế hệ con tôi và đến thế hệ cháu tôi.
![]() |
PV: Ông là nhân chứng của một sự kiện vô cùng ý nghĩa. Và cho đến giờ, ông đã có nhiều ấn bản liên quan đến ngày giải phóng lịch sử của đất nước. Cuốn sách “30/4/1975 - sau 50 năm nhìn lại” đã được ông đã nung nấu trong bao lâu để có thể cho ra mắt công chúng?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Thật ra những ý tưởng từ trong cuốn sách này thì đã qua mấy chục năm, và tôi cũng đã có một số cuốn sách khác. Nhưng cuốn sách mới này bổ sung thêm rất nhiều những cái nhìn của người trong nước cũng như người Mỹ. Tôi trình bày trong cuốn sách làm cho tất cả sống lại rất rõ ràng. Giây phút quan trọng nhất là trước ngày 30/4, trong ngày 30/4 và sau ngày 30/4. Cuốn sách cũng có thêm phần phụ lục với bài viết của các thế hệ tiếp nối. Thế hệ chúng tôi là nhìn về những nhân vật lớn hơn như Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh hay chính uỷ Quân đội nhân dân Việt Nam Bùi Văn Tùng. Đến giai đoạn thứ 2, con trai và con gái tôi cũng viết lên những suy nghĩ của những đứa trẻ lớn lên trong giai đoạn những năm 1975 – khi ấy các con tôi chừng 6 - 7 tuổi. Và đặc biệt là thế hệ trẻ nữa là thế hệ cháu tôi, bây giờ đã vào tuổi 20, bắt đầu có suy nghĩ về sự kiện 30/4/1975 rồi.
![]() |
PV: Bây giờ xin được hỏi anh Thái Hòa, anh nghĩ như thế nào về cuốn sách của cha mình và thế hệ anh cũng như là các con của anh sẽ đón nhận được thông điệp gì từ cuốn sách này ạ?
Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa: Cá nhân tôi, tôi muốn có một cái góc nhìn khác hơn, phù hợp hơn với thời kỳ mới và những vấn đề tồn đọng trước mắt của chúng ta. 50 năm đã qua, chúng ta cũng đã nhắc nhiều về chiến thắng, nhắc nhiều về mọi thứ. Nhưng hiện trạng trước mắt chúng ta thì đang bước vào một công cuộc mà tôi gọi là trận Điện Biên Phủ lần thứ ba. Trận Điện Biên Phủ lần thứ ba này thì từ Tổng Bí thư đến tất cả các chuyên gia, các bộ ban ngành như chúng tôi đang vào cuộc với một tốc độ siêu tốc. Và tôi muốn nhìn ngày 30/4 này với một góc nhìn của thời đại mới, một thời kỳ mới, một cơ hội mới. Quan trọng hơn là tìm kiếm đòn bẩy và giải pháp kinh tế cho thế kỷ 21. Tôi cũng muốn nhắc lại một chút về thành tựu của hòa hợp - hòa giải từ Nghị quyết 36 của Bộ chính trị. Khi ấy tôi là một chuyên gia hàng đầu của Pháp, đang lãnh đạo một tập đoàn của Pháp tại châu Á, Thái Bình Dương. Năm 2010, tôi đã về nước theo lời mời của Bộ Khoa học Công nghệ và tập đoàn FPT. Chúng ta đã có những điểm sáng về hòa hợp - hòa giải, tận dụng được sức mạnh kiều bào cho công cuộc phát triển 50 năm qua. Tôi mong là có nhiều nhiều hơn nữa những chuyên gia hạng nhất trên toàn cầu quay về với Việt Nam, khi ấy những nội lực của chúng ta sẽ được đẩy lên ở một tốc độ khác.
Tôi rất mừng và khuyến khích cuốn sách của bố tôi “30/4/1975 - sau 50 năm nhìn lại”. Đặc biệt trong phần vĩ thanh, tức là sự chuyển giao thế hệ sau 50 năm là rất quan trọng. Có thể nói là tôi chứng kiến ở trong và ngoài nước, sự chuyển giao thế hệ giữa thế hệ trước cho thế hệ con mình hiện nay đang gặp phải rất nhiều vấn đề. Vì giữa các thế hệ không hiểu nhau, trong khi chúng ta đặt lên bàn một tư duy mới cho thế hệ mới. Tôi rất trăn trở việc làm thế nào để các con là “kỹ tây mà hồn ta”, nghĩa là kỹ thuật phương Tây, tư duy phương Tây nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc!
![]() |
PV: Vâng, xin cảm ơn anh Thái Hòa. Còn đối với Trâm Anh thì sao? Em nghĩ như thế nào về cuốn sách của ông nội mình?
Nguyễn Hữu Trâm Anh: Tôi cũng biết là ông nội đã ra nhiều cuốn sách về lịch sử và về trải nghiệm của ông về ngày 30/4/1975. Với tôi, cuốn sách mới của ông rất đặc biệt vì nó nói tới 50 năm sau ngày 30/4 năm đó. Tôi sinh ra năm 2002, dù không sống vào thời khắc lịch sử đó nhưng khi đọc mấy cuốn sách của ông, tôi cũng hiểu ông hơn và hiểu mình đến từ đâu hơn. Tôi cảm giác như một phần của mình cũng đã ở đó, vào ngày 30/4 lịch sử. Nhưng thực tế thì rất nhiều thứ đã thay đổi sau 50 năm, Việt Nam hiện tại đã là một nước hoàn toàn mới so với Việt Nam hồi năm 1975 đó.
Khi Trâm Anh đi nước ngoài, Trâm Anh cũng gặp rất nhiều người và họ nói rằng họ rất hâm mộ lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng rất là tò mò về Việt Nam. Họ muốn hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam. Làm sao Việt Nam - một đất nước nhỏ như vậy mà thắng Mỹ được? Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dạy được cho người dân cả nước đi theo chính nghĩa, chống lại đế quốc Mỹ? Tôi nghĩ là Việt Nam đã rất thành công, rất thông minh khi chiến thắng được Mỹ. Nhiều nước khác cũng lấy Việt Nam như một ví dụ và hình mẫu để học theo, giành lấy tự do.
Trâm Anh nghĩ rằng cuốn sách của ông nội tôi rất quan trọng, vì ông là một nhân chứng tại Dinh Độc lập ngày đó. Ông nội là một nhân chứng sống, có thể kể lại chân thực về cái ngày lịch sử này. Khi có nhiều người cùng kể thì mình không biết cái nào là đúng, cái nào là sai. Nhưng khi có một nhân chứng như ông nội, thì tôi có thể hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra ngày đó.
![]() |
PV: Thực ra đó là một điều rất tuyệt vời, khi mà chính một người thân của mình lại là nhân chứng lịch sử!
Phần 2: Ba thế hệ chung nhịp đập quê hương
PV:Nguyễn Hữu Trâm Anh hiện đang theo học về phim điện ảnh tại Canada và cũng đã có một số thành công nho nhỏ trong lĩnh vực lựa chọn. Không biết là những câu chuyện và cuộc đời của ông nội và của bố có ảnh hưởng như thế nào đến nhận thức cũng như là lựa chọn nghề nghiệp của Trâm Anh hay không?
Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa: Có một thực tế là khi con cái chúng ta lớn lên và đi học, đặc biệt là đi học nước ngoài, thì sau đó các cháu sẽ quay về tìm lại những kỷ niệm bằng hình ảnh, bằng âm nhạc, bằng sách báo... Và tôi rất ngạc nhiên là Trâm Anh đã tìm hiểu ông nội từ báo chí quốc tế, từ những bài viết bằng tiếng Anh... Lúc trước, tôi cứ nghĩ là Trâm Anh không bao giờ thích nhạc Trịnh Công Sơn – dòng nhạc mà tôi đã nghiên cứu và theo đuổi rất lâu. Thế nhưng bây giờ Trâm Anh lại bắt đầu quay về. Tối hôm qua, tôi rất vui là Trâm Anh đã đưa nhóm bạn của mình, gồm các nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội và quốc tế, đo xem collection của bố về Trịnh Công Sơn. Những tư tưởng đó, tôi nghĩ là nó sẽ thấm theo gia đình qua các thế hệ. Bản thân tôi từ lúc 9 - 10 tuổi cũng đi theo cha mẹ để nghe những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc đấy tôi đã hỏi mẹ là, mẹ ơi sao lại có một con chim nào mà giấu nỗi buồn trong cánh? Thật ra đấy là một cái bài hát mà Trịnh Công Sơn viết cho phim về nhân vật anh hùng Nguyễn Thành Trung - đứa con bị từ chối. Anh ấy bay trên máy bay như con một chim, và đêm từng đêm bay về. Con chim này giấu nỗi buồn trong cánh, vì anh ấy là một tình báo của quân đội mình. Đó, những câu chuyện như vậy, tôi nghĩ là phải có thời gian, phải có kỷ niệm, và nó sẽ thẩm thấu xuyên qua các thế hệ.
![]() |
PV: Thưa kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, ông đã có nhiều năm trở về quê hương và theo dõi sát những cái đổi thay của đất nước. Vậy thì ông có đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế xã hội nói chung của Việt Nam trong những năm qua?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Với một người đã kinh qua sự phát triển của Việt Nam từ những năm 60-70, và bây giờ vào thế kỷ 21, chúng tôi đặc biệt nhìn vào thế hệ trẻ. Ví dụ như cháu tôi, bây giờ đang tha thiết hiểu Việt Nam như thế nào. Vừa rồi tôi mới đọc một cuốn sách viết bằng tiếng Anh, có tựa đề là “My Vietnam, your Vietnam”, nghĩa là “Việt Nam của tôi và Việt Nam của bố”. Đó là cuộc tranh luận giữa bố và con. Ông bố đã rời đất nước ra đi năm 1975, và luôn nhìn Việt Nam là cộng sản, là áp bức; trong khi người con, giờ đang ở tuổi 20, thì lại thấy Việt Nam khác xa. Khi người con có dịp về Việt Nam 1-2 lần, rồi cháu quay trở lại nước Mỹ, cháu đã có những quan điểm khác xa với bố mình. Người con thì bênh vực Việt Nam hiện tại, trong khi người bố lại bênh vực Việt Nam Cộng Hòa thời xưa. Và trong những lần nói chuyện ở các trường đại học hay các cuộc giao lưu với giới trẻ, chúng tôi vẫn nhìn thấy một viễn tưởng rất sáng lạn cho Việt Nam. Chúng tôi chắc chắn sẽ tác động được đến thế hệ trẻ ở nước ngoài hay trong nước vững tin hơn để tiến tới phía trước.
PV: Vâng, xin cảm ơn kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái. Còn đối với anh Thái Hòa thì sao ạ? Cái nhìn của một chuyên gia cao cấp đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay sẽ như thế nào?
Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa: Trong buổi trò chuyện hôm nay, tôi rất thú vị với câu nói hết sức khách quan của cháu Trâm Anh vừa rồi, đó là 50 năm qua, chúng ta đã có một nước Việt Nam mới rồi. Vậy chúng ta sẽ hành xử với một Việt Nam mới như thế nào? Với cá nhân tôi, tôi muốn đặt một số vấn đề mà đang thao thức, tham gia rất là quyết liệt gần 16 năm nay sống ở Hà Nội trong cái giải pháp mới cho Việt Nam. Tôi gọi lần này, mà đặc biệt với sự quyết liệt của Tổng Bí thư, thì chúng ta đang bước vào một công cuộc mà tôi gọi là trận Điện Biên Phủ lần thứ ba. Có lẽ trận Điện Biên Phủ này mới là trận thực sự về kinh tế như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói cách đây 20 năm. Tôi cho rằng giai đoạn sắp tới mà mục tiêu chúng ta đặt ra cho giai đoạn 2025 – 2045 là phải đạt 10 ngày tỷ đô la, tăng trưởng mỗi năm phải 2 chỉ số, tức là GDP phải trên 10%. Tôi chỉ muốn đặt nhanh vấn đề và giải pháp mà chúng tôi đang lao vào. Vấn đề lớn nhất Việt Nam phải vượt qua ở trận Điện Biên Phủ lần thứ ba này là sở hữu. Vấn đề sở hữu toàn dân, đi theo kinh tế thị trường, từ vàng, dầu, khí, bất động sản... Và bây giờ là năng lượng mới. Chúng tôi - những tổ chuyên gia của Chính phủ đang đề xuất cho Chính phủ những giải pháp, đi tắt đón đầu về tín chỉ tiền ảo chẳng hạn. Một thế giới mà sắp tới chắc chắn sự sở hữu cũ của bất động sản sẽ hết rồi, và chúng ta phải bước vào một thế giới khác. Tôi mong tiếng nói của những chuyên gia kinh tế cũng như các cháu trẻ, thế hệ Gen Z, Gen Alpha, sẽ giúp Việt Nam đi tiếp truyền thống anh hùng của dân tộc, và vượt qua trận Điện Biên Phủ kinh tế này.
![]() |
PV: Đó là một kỳ vọng rất đẹp đẽ! Và tôi cũng rất mong được nghe chia sẻ của Trâm Anh. Trâm Anh nghĩ như thế nào về Việt Nam hôm nay?
Nguyễn Hữu Trâm Anh: Trâm Anh cũng yêu Việt Nam, yêu đất nước mình tại vì mình là người Việt Nam. Trong tương lai Trâm Anh cũng muốn tiếp tục lựa chọn Việt Nam trong các dự án điện ảnh của mình. Tôi muốn dùng những câu chuyện trong các gia đình Việt Nam để kể về những điều chung chung mà tất cả mọi người trên thế giới đều có thể cảm nhận được. Phim ảnh sẽ là một cách để giữ lại lịch sử của Việt Nam. Tôi biết nhiều nước, đặc biệt làg Mỹ có làm nhiều phim về chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, cách họ nhìn Việt Nam cũng không chính xác, họ chỉ thấy chiến tranh thôi mà không thấy được những điều khác nữa. Trâm Anh muốn có thể làm gì đó để thay đổi những cách nhìn đó.
Năm nay, Trâm Anh chuẩn bị tốt nghiệp đại học điện ảnh ở Canada. Bài tốt nghiệp là bộ phim về một gia đình Việt Kiều ở Canada, nói về mối quan hệ giữa mẹ và con, những bất đồng liên quan đến nữ tính và truyền thống mặc áo dài của người Việt. Trong đó, người con muốn bỏ qua truyền thống, nhưng người mẹ thì rất là muốn vẫn còn giữ truyền thống Việt Nam, thông qua chiếc áo dài. Bên cạnh đó, Trâm Anh cũng đang làm một phim tài liệu về ông nội. Mong là bộ phim sẽ thành công!
PV: Như vậy là chúng ta có thể chờ đợi những tác phẩm mới của Trâm Anh về gia đình, về những con người Việt Nam xa xứ và về đất nước Việt Nam nữa. Còn anh Nguyễn Hữu Thái Hòa, tôi cũng rất muốn nghe những chia sẻ của anh về dự định dành cho quê hương Việt Nam?
Anh Nguyễn Hữu Thái Hòa: Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, tôi là một thành viên Hội đồng quản trị của mấy tập đoàn, đồng thời cũng đang làm tư vấn cho Chính phủ và Hội truyền thông số, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, bây giờ là bộ Khoa học Công nghệ. Tôi có một hạnh phúc là có thể đem tất cả những kiến thức có được về quê hương, như một cái cầu nối từ phương Tây vào Việt Nam. Tôi đã làm rất tốt trong 16 năm qua, cho cá nhân cũng như cho các tổ chức và các đơn vị hợp tác. Bên cạnh đó tôi có một cuộc sống riêng về âm nhạc. Sắp tới, khi đã ở tuổi ngoài 50, tôi sẽ nghiêng về phần phân tích, giải thích và làm những postcard trên mạng xã hội về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tất cả những đóng góp này đều hướng tới một mục tiêu sau cùng thôi – đó là một giải Nobel Hòa Bình cho âm nhạc Trịnh Công Sơn về chiến tranh. Đối với tôi, nhạc phản chiến, chống chiến tranh của Trịnh Công Sơn mới là những hạt kim cương trong văn hóa âm nhạc Việt Nam, chứ không phải là tình ca.
![]() |
PV: Còn kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, chắc hẳn ông sẽ tiếp tục viết những cuốn sách phải không ạ?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Tôi bây giờ thấy mình vẫn còn năng lượng để viết được nhiều cuốn sách nữa về chuyên môn, về kiến trúc, về quy hoạch thành phố. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi muốn khơi dậy trong lớp trẻ, để làm sao các em nắm bắt được những cái tiến bộ của thời đại. Và khi đó thì sẽ xây dựng một Việt Nam mới, một Việt Nam có những nét riêng của mình.
Khi chúng tôi đi thăm những nước Đông Nam Á láng giềng, chúng tôi thấy họ đang mỗi ngày vươn lên. Theo tôi nhận thấy, người Việt Nam đứng đầu trong xu thế đó. Vì vậy, tôi sẽ tập trung vào những cuốn sách, cộng với những kinh nghiệm của con và cháu mình, để nói với thế giới là Việt Nam chúng ta không phải chỉ có chiến tranh, mà Việt Nam còn xây dựng rất tốt nữa.
PV: Vâng, xin cảm ơn kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, cảm ơn chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Thái Hòa và đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Trâm Anh. Qua cuộc trò chyện này, chúng ta đã cùng sống lại thời khắc lịch sử của 50 năm trước khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng đã nghe những tâm tư sẻ chia của ba thế hệ trong một gia đình chung nhịp đập quê hương, luôn tìm kiếm cơ hội để góp phần xây dựng một Việt Nam mới, một đất nước đang trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!
Các tin bài khác