Cơ hội lập nghiệp lớn tại Nhật Bản cho các du học sinh Việt Nam

15:19 | 18/09/2018
Cùng với sự tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản, làn sóng sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học phát triển mạnh mẽ.
Cơ hội lập nghiệp lớn tại Nhật Bản cho các du học sinh Việt Nam

Sau khi tốt nghiệp, nhiều bạn trẻ Việt Nam quyết định ở lại Nhật Bản lập nghiệp và gặt hái thành công. Khi kể lại hành trình lập nghiệp của mình, tất cả các bạn trẻ đều cho rằng sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt-Nhật đã tạo cho họ thuận lợi vô cùng lớn trong con đường phát triển sự nghiệp của mình. 

NAL Japan là một trong những doanh nghiệp IT thành công của người Việt tại Nhật Bản. Giám đốc Công ty NAL Japan Nguyễn Tuấn Anh đã có một quá trình 16 năm lập nghiệp tại Nhật Bản.

Kể lại chặng đường lập nghiệp, anh Nguyễn Tuấn Anh nhận định chính sự phát triển tích cực trong quan hệ Việt-Nhật đã trở thành bệ đỡ cho sự thịnh vượng hiện nay của công ty. 

Anh Tuấn Anh sang Nhật Bản du học vào năm 2002. Ấp ủ mục tiêu thành lập công ty riêng ngay từ khi mới ra trường, Tuấn Anh làm việc cho hai công ty công nghệ thông tin ở Nhật để tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. 

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1983, giám đốc điều hành NAL Japan - hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

 

Trong bốn năm rưỡi tại công ty đầu tiên, Tuấn Anh tận dụng cơ hội để học hỏi, trải nghiệm từng vị trí từ kỹ sư đến quản lý. 

Chuyển sang công ty thứ 2, Tuấn Anh tham gia ngay từ giai đoạn đầu thành lập công ty và lên ý tưởng sản phẩm. 

Vừa xây dựng và quản lý bộ phận kỹ thuật, vừa thiết kế và phát triển sản phẩm, Tuấn Anh có cơ hội thực hành phát triển một lĩnh vực kinh doanh, thành lập một doanh nghiệp. 

Năm 2013, Tuấn Anh cùng bạn thành lập công ty NAL Việt Nam và thành lập công ty NAl Japan vào cuối năm 2014. 

Anh Tuấn Anh cho biết thời điểm anh thành lập công ty cũng chính là lúc quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản đang khởi sắc mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Sau khoảng 4 năm thành lập, nhóm công ty NAL của Tuấn Anh đã phát triển thành 6 công ty thành viên, có văn phòng tại hai thành phố lớn ở Nhật là Tokyo, Nagoya và ba thành phố lớn tại Việt Nam gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. 

Trẻ trung, xinh đẹp và sắc sảo, chị Mai Hoài Giang là một gương mặt thành công của người Việt Nam tại Nhật Bản. 

Đi du học tại trường Ritsumeikan Asia Pacific (APU) bằng học bổng toàn phần, chị Mai Hoài Giang đã trải qua nhiều vị trí quản lý cho các tập đoàn lớn như Uniqlo, Atago. 

Tuy nhiên, Hoài Giang luôn cháy bỏng ước mơ tạo lập cho mình một sân chơi riêng, để có thể được làm điều mình mong muốn. 

Đó là xây dựng công ty riêng RAROMA với sản phẩm đầu tiên là những chiếc xíchlô của xứ Huế xuất hiện ở những điểm du lịch hàng đầu của Nhật Bản. 

Raroma, như mong ước của Mai Hoài Giang, sẽ trở thành “một cây cầu” kết nối văn hóa, thị trường, cơ hội kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sự thành công của nhiều người Việt trẻ là động lực để thúc đẩy 3 bạn trẻ Trần Thanh Thủy, Lê Viết Gia Khánh và Tạ Việt Phương thành lập Vietnamese Professionals in Japan (VPJ), với mong muốn quy tụ giới "cổ cồn trắng" của Việt Nam tại Nhật Bản.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển tốt đẹp và Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về lao động là cơ hội lớn cho những thanh niên Việt Nam muốn lập nghiệp tại đây. 

Với làn sóng du học Nhật Bản hiện nay của sinh viên Việt Nam và trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cơ hội lập nghiệp của người Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó có giới trí thức, chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.

Nguồn: TTXVN