Dấu ấn sâu đậm về vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam

01:58 | 23/05/2023
Chỉ trong hơn 2 ngày tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động đa phương và song phương.
Dấu ấn sâu đậm về vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước G7 mở rộng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã thành công rất tốt đẹp cả trên phương diện đa phương và song phương.
 
Chuyến công tác tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, để lại dấu ấn sâu đậm về vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng thực chất, hiệu quả.
 
Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay có sự tham dự của các nhà lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và 8 quốc gia, tổ chức quốc tế có uy tín để thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu.
 
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 3 bài phát biểu quan trọng tại 3 phiên họp, truyền đi nhiều thông điệp của Việt Nam trong từng nhóm vấn đề.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản - Ảnh 2.
Tại phiên họp "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Thủ tướng Phạm Minh Chính
nêu bật 3 thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 
Cụ thể, trong phiên họp "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", Thủ tướng cho rằng bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh, sạch hơn, bền vững hơn.
 
Trong phiên họp "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh trong ứng phó với biến đổi khí hậu cần bảo đảm công bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước.
 
Tại phiên thứ 3 - "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và thực hiện bằng những cam kết cụ thể. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
 
Việt Nam là một trong 8 nước trên toàn thế giới, một trong 2 nước trong ASEAN (cùng với nước Chủ tịch ASEAN 2023) là khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Chỉ trong hơn 2 ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động đa phương và song phương. Trong đó, Thủ tướng đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành, tin cậy với tất cả các nhà lãnh đạo G7, nhiều nước khách mời để trao đổi các biện pháp cụ thể, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng thực chất, hiệu quả.
 
Các đối tác đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
 
Thủ tướng cũng đã có các cuộc gặp, làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới…
 
Tại các cuộc gặp, người đứng đầu các tổ chức trên đều đánh giá cao những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam và cam kết thúc đẩy hợp tác toàn diện với Việt Nam. Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF thì cho rằng, Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới với sự ổn định, tốc độ tăng trưởng cao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhiều rủi ro, chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Cùng với lịch trình rất dày tại Hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng đã có 13 cuộc làm việc với phía Nhật Bản. Lãnh đạo Chính phủ, các nghị sĩ Quốc hội, lãnh đạo địa phương và lãnh đạo các hội hữu nghị, các tập đoàn đánh giá rất cao sự tham gia, đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam tại Hội nghị G7 mở rộng, góp phần vào thành công của Hội nghị.
 
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định Việt Nam có vị thế quan trọng hàng đầu trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực. Nhiều kết quả thực chất đã đạt được trong cuộc hội đàm.
Đó là, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị; thống nhất sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hai nước thúc đẩy tiến độ một số dự án hợp tác ODA như Bệnh viện Chợ Rẫy 2, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên; hỗ trợ Việt Nam gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, hai bên đã ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỷ Yen (khoảng 500 triệu USD) trong các lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, giao thông công cộng, phát triển nông nghiệp.
Dấu ấn sâu đậm về vai trò, uy tín quốc tế của Việt Nam - Ảnh 6.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến hai bên trao đổi văn bản
ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỷ Yên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong chuyến công tác, rất nhiều lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đăng ký gặp, làm việc với Thủ tướng. Các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, phát triển nhanh. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư và Việt Nam trở thành cơ sở quan trọng nhất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
 
Trong không khí chân thành, tin cậy, cởi mở, tại các cuộc làm việc, Thủ tướng đã trao đổi thẳng thắn, trực tiếp vào các vấn đề các doanh nghiệp quan tâm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc và gợi mở những lĩnh vực hợp tác mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.
 
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, kinh tế xanh, tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế tri thức, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
 
Cùng với việc góp phần phát triển bền vững, thực chất, hiệu quả quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Hội nghị G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản đã truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời tiếp tục khẳng định Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nỗ lực, đóng góp vào nỗ lực giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nguồn: VTV.VN