Việt Nam khẳng định không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế
Toàn cảnh phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khóa họp lần thứ 57 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 11/10 đã kết thúc tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc, khép lại 3 Khóa họp thường kỳ và nhiều hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2024, đánh dấu sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực của Việt Nam với việc chủ trì một số sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, trong đó có một số phát biểu chung của ASEAN.
Kết quả nổi bật sau 5 tuần họp liên tiếp của Khóa họp 57 Hội đồng Nhân quyền bao gồm:
(i) 01 Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền và 37 Nghị quyết được thông qua;
(ii) 05 phiên thảo luận chuyên đề về thúc đẩy và bảo vệ các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết sự bất bình đẳng, giáo dục vì hòa bình và sự khoan dung cho mọi trẻ em, quyền phát triển, thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia đối với vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ quyền con người của các thành viên, quyền của người bản địa, lồng ghép quan điểm giới vào công việc của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng;
(iii) thảo luận về 86 báo cáo chuyên đề;
(iv) các phiên thảo luận, đối thoại với 42 thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc;
(v) các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước;
(vi) hoàn thành thủ tục thông qua các kết quả Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 nước;
(vii) bầu 4 thành viên Ủy ban Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2027;
(viii) quyết định bổ nhiệm 4 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền.
Trong khuôn khổ khóa họp lần này, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả UPR chu kỳ IV đối với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và đoàn Việt Nam tại buổi Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế tại Geneva, cùng đại diện một số bộ, ngành liên quan.
Phiên họp thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), trong đó có các tổ chức NGO của Việt Nam.
Cũng nhân dịp tham dự Phiên họp thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tham dự và phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm quốc tế “Tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống giáo dục: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn.”
Sự kiện do Việt Nam, Philippines, Australia và Italy đồng bảo trợ tổ chức với sự điều hành của Đại sứ Mai Phan Dũng và sự tham gia của các diễn giả là Đại sứ Philippines, Australia, đại diện Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bên cạnh sự kiện nêu trên, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình bày Phát biểu chung về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, được đông đảo các nước ủng hộ, đến nay đã có 53 nước từ tất cả các châu lục bảo trợ.
Phát biểu chung nhấn mạnh tiêm chủng là một phần quan trọng của quyền được hưởng sức khỏe tối ưu, đóng vai trò thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và đạt được sự bao phủ y tế toàn dân theo mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030.
Ngoài ra, trong khuôn khổ khóa họp, ông Surya Deva - Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển, đã có phiên đối thoại với các nước về các hoạt động của ông trong năm vừa qua, bao gồm chuyến thăm của ông tới Việt Nam từ ngày 9-15/11/2023.
Kết thúc chuyến thăm, ông đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng bao phủ an sinh xã hội.
Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. (Ảnh: Văn Tuấn/TTXVN)
Phát biểu tại phiên đối thoại, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm quyền phát triển. Việt Nam luôn đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược phát triển, với tư cách là chủ thể, động lực và người thụ hưởng; khẳng định Việt Nam không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế.
Trong quá trình tham dự khóa họp, đoàn Việt Nam đã tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, phiên thảo luận về nhiều chủ đề như thúc đẩy và bảo vệ quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đẳng; quyền của người cao tuổi; biến đổi khí hậu; nước sạch và vệ sinh; quyền của nông dân...
Tại các phát biểu, đoàn Việt Nam nêu rõ chủ trương về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân; chia sẻ những biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; khẳng định cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin thông qua tinh thần đối thoại, hợp tác.
Cùng với các nước ASEAN, đoàn Việt Nam cũng đã có một số phát biểu chung về các chủ đề ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực, quyền phát triển, cơ chế UPR.
Trong suốt khóa họp, đoàn Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với các Đoàn đại diện các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại khóa họp 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nổi bật là việc thông qua kết quả UPR chu kỳ IV, đưa ra 02 sáng kiến xây dựng Phát biểu chung và tổ chức cuộc tọa đàm quốc tế, đối thoại với Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển nêu trên cũng như đồng bảo trợ nhiều sáng kiến, đã thể hiện rõ nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trong năm thứ 2 trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Các tin bài khác