Hiến kế vì tương lai của y học Việt Nam
Chị Lê Thị Thanh Thủy hiện là Phó Giáo sư khoa Giáo dục toàn cầu và kho
Hơn hai thập niên gắn bó với lĩnh vực y tế tại Nhật Bản, PGS.TS Lê Thị Thanh Thủy đã tổ chức đào tạo nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ và kết nối nhiều học bổng cho nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đến đất nước mặt trời mọc.
Tích cực xúc tiến các hoạt động hợp tác giữa Đại học Osaka Metropolitan với quê hương, chị đã đưa nhiều chuyên gia y tế từ Trường Y và bệnh viện trực thuộc Đại học Osaka Metropolitan về giúp các cơ sở y tế của Việt Nam nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, năng lực nghiên cứu và giảng dạy.
Không chỉ giúp nhiều bệnh nhân tiếp cận trị liệu tiên tiến tại Nhật Bản, chị luôn đau đáu với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực y học tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ triển khai mạnh mẽ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đưa ứng dụng AI vào y học
PGS.TS Lê Thị Thanh Thủy cho rằng, AI đang tạo ra những thay đổi to lớn trong nhiều lĩnh vực và y học không phải là ngoại lệ. Các ứng dụng của AI trong y học bao gồm chẩn đoán hình ảnh, phát hiện bệnh, lập kế hoạch điều trị và quản lý hồ sơ bệnh án. Các thuật toán học sâu (deep learning) và máy học (machine learning) đã giúp cải thiện độ chính xác và tốc độ chẩn đoán, đồng thời hỗ trợ bác sĩ trong việc đưa ra các quyết định lâm sàng quan trọng.
Một số ứng dụng nổi bật của AI trong y học có thể kể đến như chẩn đoán hình ảnh y khoa (X-quang, MRI, CT) để phát hiện các dấu hiệu của bệnh với độ chính xác cao hơn so với con người.
Trong điều trị, có MRI-Linac (hệ thống máy gia tốc tuyến tính cộng hưởng từ) hay mới nhất là CT-Linac tích hợp AI mang lại hy vọng về việc chăm sóc chính xác, cá nhân hóa và hiệu quả hơn cho những người đang điều trị bệnh ung thư.
Theo PGS.TS Lê Thị Thanh Thủy, AI có khả năng phân tích dữ liệu lớn từ hồ sơ bệnh án để dự đoán nguy cơ mắc bệnh, giúp bác sĩ có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Robot phẫu thuật được trang bị AI giúp tăng độ chính xác và giảm thiểu rủi ro trong các ca phẫu thuật phức tạp.
Mỗi cá nhân thường mất 10 năm để thành thạo về chuyên môn, hay các bác sĩ đã phải quan sát hàng trăm ca phẫu thuật để học hỏi trước khi thực sự thực hành. Tuy nhiên, thay vì mất đến nhiều năm giống như con người, các hệ thống dựa trên AI có khả năng hấp thụ mọi thông tin chỉ trong vài giây, robot phẫu thuật có thể tiếp nhận bản ghi của hàng nghìn ca phẫu thuật, ghi nhớ chính xác toàn bộ quy trình và học hỏi kỹ thuật từ những dữ liệu mà nó thu thập được chỉ trong một thời gian ngắn. Từ đó, AI có thể định hình lại cách các bác sĩ học, thực hành và hoàn thiện kỹ năng phẫu thuật của họ.
Đầu tư nguồn nhân lực kỹ thuật cao
Nhà khoa học Đại học Osaka Metropolitan đánh giá, việc ứng dụng AI trong y học tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, với một số dự án thử nghiệm và nghiên cứu đang được triển khai. Tuy nhiên, để bắt kịp với các nước phát triển và tận dụng tối đa tiềm năng của AI, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao giúp các bác sĩ, nhà nghiên cứu và kỹ sư y sinh có đủ năng lực tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Đó là sự hiểu biết về các thuật toán AI, khả năng lập trình, phân tích dữ liệu và tích hợp AI vào các hệ thống y tế hiện có.
PGS.TS Lê Thị Thanh Thuỷ cho rằng, nguồn nhân lực kỹ thuật cao là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực y học. Những cá nhân này có khả năng nghiên cứu và phát triển các ứng dụng mới của AI, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe và tạo ra những giải pháp đột phá cho các vấn đề y tế phức tạp.
Một lực lượng lao động có trình độ cao sẽ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các trường đại học và viện nghiên cứu y học ở Việt Nam. Điều này không chỉ giúp sinh viên y khoa và các nhà nghiên cứu trẻ có cơ hội học tập và phát triển kỹ năng, mà còn thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ.
![]() |
PGS.TS Lê Thị Thanh Thuỷ cùng đồng nghiệp tại Lễ khai trương Văn phòng Đại học Osaka Metropolitan, Nhật Bản tại trường Đại học Y Hà Nội, năm 2022. |
Giải pháp cho Việt Nam
Để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong y học tại Việt Nam, PGS.TS Lê Thị Thanh Thủy đưa ra một số giải pháp hữu ích.
Trước tiên, Việt Nam cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI và công nghệ y sinh tại các trường đại học và cơ sở đào tạo y khoa. Các khóa học này nên bao gồm các môn học về lập trình, học máy, học sâu, xử lý và phân tích dữ liệu y tế, cũng như các ứng dụng thực tiễn của AI trong y học.
Thứ hai, việc hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học và bác sĩ Việt Nam học hỏi và tiếp cận với các công nghệ tiên tiến. Các chương trình trao đổi nhân lực, thực tập và nghiên cứu chung sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật của nguồn nhân lực Việt Nam.
Chị chia sẻ: “Hiện bệnh viện nơi tôi làm việc đang xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ nội trú cho các bác sĩ nước ngoài học cùng các bác sĩ Nhật. Dự kiến chương trình sẽ được đưa vào thí điểm tại một số khoa như khoa Gan mật, khoa Chấn thương chỉnh hình, khoa Phẫu thuật tạo hình...”. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục giúp các bác sĩ trẻ Việt Nam tiếp cận chương trình này để trở thành một nhà chuyên môn có năng lực vượt trội trong thời đại AI.
Thứ ba, Chính phủ và các tổ chức tư nhân cần đầu tư mạnh mẽ vào các dự án nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI trong y học. Việc này không chỉ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các nhà khoa học và kỹ sư, mà còn thúc đẩy sự đổi mới và ứng dụng thực tiễn của các công nghệ mới.
Thứ tư, cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các công ty công nghệ y sinh và AI. Một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ý tưởng sáng tạo và cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Theo PGS.TS Lê Thị Thanh Thuỷ, “chỉ khi có một đội ngũ chuyên gia giỏi, chúng ta mới có thể làm chủ công nghệ, đưa ra những giải pháp y tế hiệu quả và tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Chuyên gia y tế có nhiều năm làm việc và nghiên cứu tại Nhật Bản hy vọng rằng với sự chung tay của Chính phủ, các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của y học trong tương lai.
Tốt nghiệp thủ khoa toàn khóa Đại học Y Hà Nội năm 2001, chị Lê Thị Thanh Thủy nhận học bổng toàn phần của chính phủ Nhật Bản để theo học khóa Tiến sĩ tại trường Đại học Osaka, nghiên cứu về viêm gan B tại Việt Nam (2002-2007). Tốt nghiệp Tiến sĩ, làm nghiên cứu sau Tiến sĩ trong hai năm, chị làm việc tại trường Đại học Osaka Metropolitan từ năm 2009 đến nay. PGS.TS Lê Thị Thanh Thuỷ chuyên nghiên cứu các bệnh về gan mật như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, ung thư tụy, cũng như nghiên cứu về miễn dịch học trong ung thư. Chị đã tìm ra vai trò bảo vệ, chống xơ và ung thư gan của một gene mới có tên là Cytoglobin – loại gene do thầy giáo của chị là Giáo sư Norifumi Kawada phát hiện vào năm 2001. Chị được trao nhiều giải thưởng nghiên cứu từ các tổ chức trong và ngoài Nhật Bản như Hiệp hội gan Kyoto năm 2015, Quỹ nghiên cứu Y khoa Osaka năm 2016; là một trong bốn nhà nghiên cứu ở châu Á nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học trị giá 130.000 USD cho nghiên cứu về bệnh gan mật từ GILEAD - công ty dược hàng đầu của Mỹ vào năm 2019... |
Các tin bài khác