Sáp nhập địa giới hành chính: Bước đi quyết đoán hướng tới một quê hương phát triển hùng cường
Việc sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là câu chuyện của từng xã, từng huyện, mà là một phần trong chiến lược tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia.
Không chỉ là một người làm báo, mà còn là một người Việt mang trong mình trọn vẹn tình yêu với đất nước, tôi nhìn nhận đây là một quyết sách chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, cùng khát vọng xây dựng một mô hình chính quyền hiện đại, hiệu quả và gần gũi với nhân dân.
Lựa chọn đúng đắn của một quốc gia đang chuyển mình
Việt Nam hôm nay đang trên hành trình phát triển mạnh mẽ, vươn mình hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gần dân là yêu cầu tất yếu. Chủ trương sáp nhập địa giới hành chính không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược mà còn khẳng định quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Dĩ nhiên, với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, những thay đổi về địa danh, địa giới hành chính có thể chạm tới tâm lý, tới ký ức và tình cảm quê hương. Nhưng điều đáng mừng là, qua theo dõi báo chí trong nước, tôi cảm nhận được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự cầu thị và lắng nghe từ phía chính quyền các cấp.
Các cuộc lấy ý kiến nhân dân được tổ chức rộng rãi. Những tâm tư, nguyện vọng của người dân được ghi nhận. Từ đồng bằng đến miền núi, từ Bắc chí Nam… đâu đâu cũng thấy không khí dân chủ, trách nhiệm trong việc triển khai chủ trương lớn này. Đó là nền tảng quan trọng để quá trình sáp nhập được thực hiện suôn sẻ, giảm thiểu những xáo trộn không cần thiết.
Bài học từ nước Đức: Hành chính tinh gọn, phục vụ người dân
Từ góc nhìn của một người đã sống nhiều năm tại Đức – một trong những quốc gia có mô hình hành chính hiệu quả hàng đầu châu Âu, tôi càng thấm thía ý nghĩa tích cực của việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính.
Tại Đức, việc sáp nhập các thị trấn nhỏ (Gemeinde) và quận huyện (Kreis) đã được tiến hành mạnh mẽ từ những năm 1960-1970, điển hình như các bang Bayern, Nordrhein-Westfalen hay Sachsen. Những cải cách đó đã giúp giảm số lượng đơn vị hành chính cấp cơ sở từ hàng chục nghìn xuống còn vài nghìn, trong khi chất lượng dịch vụ công được cải thiện rõ rệt.
Ví dụ, tại bang Bayern, sau đợt cải cách sáp nhập, các cơ quan hành chính cấp huyện có thể đảm nhiệm tốt hơn các dịch vụ như giáo dục, y tế, quy hoạch đô thị, quản lý đất đai… Người dân dù sống ở các làng xã nhỏ vẫn được tiếp cận với các dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hay tại bang Nordrhein-Westfalen, sau khi giảm mạnh số lượng các huyện nhỏ, ngân sách địa phương được sử dụng hợp lý hơn, cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ, chính quyền địa phương cũng dễ dàng số hóa các dịch vụ hành chính, phục vụ người dân một cách nhanh chóng và minh bạch.
Mô hình hành chính liên vùng (Verwaltungsgemeinschaft) ở một số bang khác như Sachsen cũng là một gợi ý hay cho Việt Nam, khi các xã nhỏ không bị mất đi hoàn toàn bản sắc địa phương nhưng vẫn được tổ chức lại để dùng chung cơ sở vật chất, nhân sự quản lý, tránh chồng chéo.
Niềm kiêu hãnh đi cùng năm tháng
Với hơn 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, mỗi thay đổi của đất nước đều được theo dõi sát sao. Chúng tôi – những người Việt xa quê – hiểu rõ rằng để phát triển bền vững, Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ mạnh mẽ hơn nữa. Những cải cách mà Việt Nam đang triển khai hôm nay chính là bước đi quan trọng để tiến gần hơn với các chuẩn mực hành chính tiên tiến mà nhiều nước như Đức đã áp dụng thành công.
Tôi tin rằng, với sự quyết tâm chính trị cao từ Trung ương, sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân trong nước, cùng với sự ủng hộ từ kiều bào quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một mô hình chính quyền hiện đại, hiệu quả và gần gũi hơn với nhân dân.
Việc sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là câu chuyện của từng xã, từng huyện, mà là một phần trong chiến lược tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn, quản lý nhà nước hiệu quả hơn và thích ứng nhanh hơn với những yêu cầu của thời đại.
Với khát vọng vươn lên, với tinh thần đổi mới, Việt Nam đang đi đúng hướng. Và với những người Việt xa quê như chúng tôi, đó là niềm tự hào lớn lao, là động lực để luôn đồng hành và ủng hộ sự phát triển không ngừng của quê hương.
Bởi tôi luôn tin: Dù ở bất cứ đâu, Việt Nam vẫn là điểm tựa tinh thần lớn nhất, là niềm kiêu hãnh đi cùng năm tháng.
Các tin bài khác