Trại sinh kiều bào Trại hè 2025: nghẹn ngào, tự hào khi 'chạm vào' lịch sử dân tộc

05:52 | 15/07/2025
Hơn 110 trại sinh kiều bào nghẹn ngào xúc động khi 'chạm vào' lịch sử dân tộc tại Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập và Địa đạo Củ Chi, mở đầu Trại hè Việt Nam 2025.
Trại sinh kiều bào Trại hè 2025: nghẹn ngào, tự hào khi 'chạm vào' lịch sử dân tộc

110 trại sinh chụp ảnh lưu niệm sau khi dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng.

Ngày 14/7, Trại hè Việt Nam 2025 chính thức bước vào chuỗi hoạt động đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, mở đầu hành trình “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”.

Hơn 110 trại sinh kiều bào từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng nhau đến dâng hương tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bến Nhà Rồng, nơi Người đã ra đi tìm đường cứu nước cách đây hơn một thế kỷ.

Tại đây, các đại biểu dành một phút mặc niệm và thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng vĩ đại của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập dân tộc. Sau đó, đoàn đã tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu hành trình bôn ba cứu nước của Bác và những dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc.

Trại sinh Văn Bora (người Việt sống tại Campuchia) chia sẻ đầy xúc động: “Cảm xúc của em dâng trào khi Việt Nam có một bậc vĩ nhân như vậy, lúc đó Bác Hồ chỉ mới 20 tuổi nhưng đã làm điều vĩ đại chưa từng có, chưa từng xảy ra trong lịch sử. Em đến đây cảm thấy dòng máu sục sôi và tự hào vì mình là người Việt”.

Trại sinh kiều bào Trại hè 2025: nghẹn ngào, tự hào khi “chạm vào” lịch sử dân tộc - ảnh 2Thanh thiếu niên kiều bào từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục thăm quan DInh Độc lập, một biểu tượng của ngày thống nhât đất nước 30/4/1975.

Tiếp nối buổi sáng, các trại sinh đã tham quan Hội trường Thống Nhất, nơi ghi dấu thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, khi đất nước thống nhất. Các em được nghe thuyết minh về những quyết sách chiến lược, những căn hầm trú ẩn và hình dung không khí khẩn trương của những ngày cuối cùng trước thời khắc giải phóng miền Nam.

Trại sinh kiều bào Trại hè 2025: nghẹn ngào, tự hào khi “chạm vào” lịch sử dân tộc - ảnh 3Trại sinh trải nghiệm vào đường hầm Địa đạo Củ Chi.

Buổi chiều, đoàn di chuyển tới Địa đạo Củ Chi, do quân và dân miền Nam xây dựng trong kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, các trại sinh không chỉ tham quan hệ thống hầm địa đạo mà còn được trải nghiệm thực tế: chui hầm, ăn sắn, xem phim tài liệu và nghe thuyết minh về lịch sử và sự anh dũng, kiên cường của quân và dân miền Nam.

Em Phạm Gia Nam, sống tại Cộng hoà Séc, nhễ nhại mồ hôi, vừa chui lên khỏi đường hầm địa đạo, hào hứng cho biết: “Em vào đã thấy khó rồi. Ngày xưa bộ đội sinh hoạt trong này còn khó hơn. Vào em mới biết trong đó rất nhiều đường đi, như mê cung. Trải nghiệm này không phải nhiều nơi trên thế giới có thể có”.

Trại sinh kiều bào Trại hè 2025: nghẹn ngào, tự hào khi “chạm vào” lịch sử dân tộc - ảnh 4Thanh thiêu niên kiều bào xem phim tư liệu lịch sử giới thiệu về những chiến công anh dũng của quân và dân miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ tại địa đạo Củ Chi.

Ngày mai 15/7, rời Tp.HCM, đoàn trại sinh sẽ tiếp tục hành trình về với Tây Nguyên, nơi tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên được chọn làm địa điểm tổ chức Lễ Khai mạc trại hè.

Tại đây, các đại biểu kiều bào sẽ khám phá không gian văn hóa cồng chiêng và tham các hoạt động từ thiện ủng hộ các hộ nghèo ở địa phương cùng 1 số hoạt động khác.

Nguồn: VOV