40 năm đổi mới đã giúp Việt Nam nâng tầm quan hệ ngoại giao cả trên bình diện đa phương và song phương, tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, toàn diện, vững chắc, khẳng định tầm vóc, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
"Những kết quả có được trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước; sự đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa- xã hội..... xử lý các vấn đề đối ngoại theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", từ đó có các biện pháp triển khai phù hợp, tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại." - Đó là nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khi nói về những thành tựu của 40 năm Đổi mới của đất nước ta, trong đó có vai trò của đối ngoại Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngoại giao là cầu nối quan trọng không chỉ mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế văn hóa mà còn xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ hội nhập bền vững vươn mình trong dòng chảy chung của nhân loại.
Dưới góc nhìn phân tích, nhờ việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hoá quan hệ quốc tế thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã có những bước đi để "phá băng", hội nhập khu vực và quốc tế. Sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, văn hóa - xã hội giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.
Đặc biệt, năm 2007, Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ đó tạo đà cho chuỗi hoạt động ý nghĩa như Việt Nam luôn tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực.
Hiện, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 30 nước; bao gồm 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN. Việt Nam còn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO v.v…
Ngày 10/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Tại các cơ chế đa phương, Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò, tham gia chủ động, tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác mới và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt việc Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn tương lai ASEAN vào tháng 4/2024, đã cho thấy tâm huyết và trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng thế giới chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhận định: "Việt Nam có tầm nhìn xa về các lộ trình phát triển của ASEAN. Vì vậy, Diễn đàn Tương lai ASEAN rất phù hợp với những gì ASEAN đang theo đuổi trong việc xây dựng tầm nhìn cộng đồng 2045. Diễn đàn diễn ra rất kịp thời và cấp thiết khi các nước thành viên ASEAN đứng trước rất nhiều thách thức, thậm chí chúng ta còn không thể suy nghĩ thấu đáo về những gì có thể xảy ra."
Việc xây dựng mối quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, khu vực trên thế giới cũng đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội đột phá trong hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiện, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP.
Bên cạnh đó, những đổi mới trong chính sách đối ngoại cũng giúp Việt Nam thiết lập được các khuôn khổ hợp tác kinh tế mới với nhiều đối tác quan trọng như, Đối tác kinh tế số - Kinh tế xanh với Singapore; Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg; Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và châu Âu;...
Chính những nỗ lực không ngừng đó đã giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. (Ảnh: TTXVN)
Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam Shantanu Chakraborty nhận định: "Trong khoảng 10-15 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Tất nhiên là có rất nhiều lợi thế như là lực lượng lao động, FDI rất mạnh. Và chính phủ cũng rất khéo léo trong việc đưa ra các chính sách tiền tệ và nới lỏng lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất có thể. Tôi rất trân trọng những nỗ lực này của Việt Nam. Việt Nam vẫn có những thế mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với lực lượng lao động trẻ. Các nhà sản xuất cũng đang nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng, và có các chính sách khá ổn định."
Chính sách ngoại giao mở cửa, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao cùng với việc thực hiện công bằng xã hội theo từng giai đoạn tăng trưởng đã tạo điều kiện cải thiện đời sống, kinh tế xã hội.
Theo ông Kamal Manhotra, nguyên Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, thành tựu quan trọng nhất là Việt Nam đã đưa khoảng 40 triệu người thoát khỏi đói nghèo trong ba thập kỷ qua, giảm một nửa tỷ lệ nghèo đa chiều kể từ năm 2005. Mức nghèo tuyệt đối hiện đã giảm xuống còn khoảng 4-5%, trong khi thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên gấp 40 lần trong giai đoạn 1989-2023.
Ông Kamal Manhotra, nguyên Điều phối viên Thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Ông Palap Sengupta, Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới cho rằng, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân Việt Nam; tầm nhìn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ với chính sách ngoại giao đúng đắn trong thời kỳ đổi mới đã góp phần quan trọng mang lại sự tăng trưởng và tiến bộ vượt bậc cho Việt Nam.
Ông Palap Sengupta nói: "Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 1985. Tôi nhớ rằng để đi từ sân bay tới khách sạn phải mất tới 2 giờ đồng hồ. Đường xá vẫn còn chưa phát triển và rất khó đi. Giờ đây, đã gần 40 năm, tôi có thể thấy sự chuyển mình vô cùng lớn lao. Việt Nam đã phát triển trên mọi lĩnh vực, về cơ sở hạ tầng, về đời sống dân sinh, văn hoá xã hội, và về sự ổn định chính trị. Tôi cũng nhận thấy sự thay đổi lớn trong đời sống dân sinh. Tôi tin rằng, sẽ có ngày Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia phát triển trên thế giới."
Nhìn lại gần 40 năm đổi mới để thấy, việc củng cố, mở rộng, nâng cấp, nâng tầm quan hệ ngoại giao cả trên bình diện đa phương và song phương, đã tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, toàn diện, vững chắc, qua đó khẳng định tầm vóc, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành ngoại giao trong thời gian tới là phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới, xứng đáng là "đội quân tiên phong", đảm bảo cao nhất lợi ích Quốc gia dân tộc vì Đảng vững mạnh vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao về triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát triển ngành Ngoại giao tổ chức hồi tháng 8 năm ngoái.
Các tin bài khác