Giá trị thời sự của đường lối ngoại giao nhân dân trong Chiến thắng 30/4

02:42 | 19/04/2025
Dẫn lời Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam lúc đó Boris Chaplin, Phó giáo sư Tsvetov kết luận Việt Nam giành chiến thắng trước hết nhờ ngoại giao chứ không chỉ nhờ quân đội.
Giá trị thời sự của đường lối ngoại giao nhân dân trong Chiến thắng 30/4

Tiến sỹ lịch sử, Phó giáo sư quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Nga Petr Tsvetov trả lời phỏng vấn TTXVN. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Trước thềm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, thống nhất đất nước, phóng viên đã trò chuyện với Tiến sỹ lịch sử, Phó Giáo sư quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Nga và cũng là nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt Petr Tsvetov về ý nghĩa của chiến thắng đối với thời đại ngày nay.

Vai trò của ngoại giao nhân dân trong Chiến thắng 30/4 thì đã được nói đến, viết đến trong rất nhiều sách và tài liệu về sự kiện đó.

Phó giáo sư P.Tsvetov nhắc lại rằng từ thời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, lãnh đạo Việt Nam đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đường lối ngoại giao nhân dân mà Việt Nam tiến hành. Trong thời chiến tranh, đường lối này thể hiện qua phong cách “vừa đánh vừa đàm,” và là chiến thuật này được ủng hộ rộng rãi trong lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ.

Một mặt, bắt đầu từ năm 1965, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng lực lượng phòng không để đáp trả hữu hiệu các cuộc không kích vào miền Bắc.

Mặt khác, ngay từ sau Hội nghị Geneva năm 1954, Liên Xô trên trường quốc tế đã hết sức thúc đẩy và kêu gọi thực hiện ý tưởng chính của Hội nghị đó là thống nhất Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô lúc đó là ông Aleksey Kosygin đã thông qua các mối quan hệ, các cuộc tiếp xúc cấp cao của mình thúc đẩy ý tưởng đó.

Trong hội đàm cấp cao Nga-Mỹ tại Moskva giữa Tổng Bí thư Brezhnev và Tổng thống Nixon, nhà lãnh đạo Nga đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Tổng thống Mỹ về việc gây sức ép để Việt Nam chấp nhận chia cắt.

Khi đàm phán Paris về hòa bình cho Việt Nam bắt đầu năm 1968, các nhà ngoại giao Việt Nam đã luôn được hỗ trợ từ phía Liên Xô, từ các tư vấn, thông tin từ mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng của Liên Xô lúc bấy giờ, cho đến hậu cần. Chiến lược và chiến thuật đàm phán của Việt Nam đã rất được ủng hộ tại Liên Xô.

Theo Phó Giáo sư P.Tsvetov, Việt Nam là đất nước ngoại giao tuyệt vời, có những nhà ngoại giao tuyệt vời. Cố vấn đặc biệt cho Trưởng đoàn ngoại giao Xuân Thủy tại đàm phán Paris, ông Lê Đức Thọ là một nhà ngoại giao như vậy.

Theo ông Tsvetov, cuộc gặp kín giữa ông Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Henry Kissinger là bước ngoặt dẫn đến việc ký kết hiệp định Hiệp định Paris sau đó.

Dẫn lời Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam lúc đó Boris Chaplin, Phó giáo sư Tsvetov kết luận Việt Nam giành chiến thắng trước hết nhờ ngoại giao chứ không chỉ nhờ quân đội.

Nhà ngoại giao kỳ cựu người Nga cũng đánh giá một thành công nữa của ngoại giao Việt Nam thời đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay, đó là việc cân bằng quan hệ với các nước lớn, ví dụ như quan hệ với Nga và với Trung Quốc thời kỳ đó.

Theo ông, đường lối ngoại giao mấy chục năm qua chứng minh bất kỳ một cách tiếp cận nào của Việt Nam đều đủ thận trọng và đủ khôn khéo.

Theo Phó giáo sư, tính tự chủ của ngoại giao Việt Nam xứng đáng được đánh giá cao, được nể trọng, và đã chứng minh hiệu quả trong thời chiến cũng như thời bình, đặc biệt là trong quan hệ với các cường quốc hiện nay, điển hình là Trung Quốc và Mỹ.

Ông Tsvetov bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ luôn tìm ra điểm cân bằng trong quan điểm của các bên nhờ áp dụng thành công bài học từ chiến tranh cho quan hệ đối ngoại, ngoại giao của mình.

Cũng ở góc độ ngoại giao, theo Phó Giáo sư Tsvetov, thế giới ngày nay có thể học từ Việt Nam một số bài học hữu ích: thứ nhất, chỉ có đàm phán mới kết thúc được chiến tranh; thứ hai, thắng lợi bên bàn đàm phán có được nhờ vào chiến thắng trên chiến trường; thứ ba, đôi khi cần đến biện pháp mạnh để bảo đảm thắng lợi chính trị.

 

Nguồn: TTXVN