Đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các văn bản liên quan.
Đến thời điểm này, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương xuống địa phương đang khẩn trương hoàn thiện phương án sắp xếp đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương, với khí thế quyết tâm, sự đồng lòng từ trên xuống dưới theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, vì mục tiêu làm cho bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ giảm từ 35-40% đầu mối
Tính đến ngày 23/12/2024, các cơ quan, ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương đã triển khai nghiêm túc việc tổng kết Nghị quyết 18, xây dựng đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời tập trung xây dựng dự thảo các văn bản (quyết định về kết thúc hoạt động; quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác...) để trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18
Ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành toàn bộ báo cáo tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; Đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và các văn bản liên quan cùng đề án kết thúc hoạt động Ban Cán sự đảng, thành lập Đảng bộ Chính phủ, Đảng bộ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Sau khi sắp xếp thu gọn đầu mối, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, về cơ bản khắc phục được những vấn đề còn giao thoa hiện nay.
Dự kiến bộ máy Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35-40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong thì giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương, bước đầu dự kiến giảm 500 cục thuộc bộ, các tổng cục.
Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình sắp xếp bộ máy, không để cho "chạy chọt", lợi ích cá nhân, bỏ cơ chế xin-cho. Cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, cần tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và có thời kỳ quá độ phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp ngày 16/12.
Đối với Quốc hội, sau khi sáp nhập, tinh gọn, dự kiến số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 40%.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp ngày 16/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý việc phân định lĩnh vực phụ trách của mỗi ủy ban sau sắp xếp phải bảo đảm khoa học, hợp lý, kết hợp giữa nội dung và các bộ được phụ trách (mỗi ủy ban phụ trách 3-4 bộ, ngành) để bảo đảm cân bằng khối lượng công việc giữa các ủy ban, tránh có ủy ban quá nhiều việc, có ủy ban quá ít việc.
UBND cấp tỉnh có không quá 14 sở chuyên môn
Trong cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những địa phương tiên phong đi đầu. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị minh Hoài cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội xác định với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12/2024 và đầu tháng 1/2025, thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy. Dù việc làm khó nhưng vì yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển của đất nước nên Hà Nội phải quyết tâm thực hiện.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài
Đối với Hà Nội, ngoài việc giảm 5 sở hiện có, Thành phố dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, TP.HCM dự kiến sẽ giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố.
Tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM khóa X, diễn ra sáng 9/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc sắp xếp và tinh gọn bộ máy là "vấn đề cấp bách" và cần được triển khai sớm để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ông nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, thực hiện nhanh nhưng phải đảm bảo trật tự. Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ quận; công tác sắp xếp phải bảo đảm duy trì các nhiệm vụ chính trị, không để gián đoạn công việc hay bỏ trống địa bàn và lĩnh vực.
Ngày 18/12, thay mặt Ban Chỉ đạo về Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Theo đó, người đứng đầu Tỉnh ủy (Thành ủy), UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về lộ trình, kế hoạch và kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn.
Sáp nhập, sắp xếp nhiều đơn vị trong bộ máy chính trị của Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Ban chỉ đạo cũng đưa ra định hướng đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, gợi ý hợp nhất đối với một số sở, ngành tương đồng với sắp xếp các bộ ở Trung ương, gợi ý cơ cấu, sắp xếp đối với các sở đặc thù.
Việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo định hướng, gợi ý tại văn bản của Bộ Nội vụ và yêu cầu quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương, bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và TP.HCM có không quá 15 sở.
Thời gian thực hiện: Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cấp huyện, bảo đảm đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (dự kiến hoàn thành trước 20/02/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/02/2025).
Các tin bài khác