Kiến tạo hòa bình, vì sự phát triển và thịnh vượng

03:12 | 25/11/2024
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng, Nhà nước ta sang Vương quốc Campuchia và tham dự Hội nghị (ICAPP), (IPTP 11) đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Kiến tạo hòa bình, vì sự phát triển và thịnh vượng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, trong đó dành ưu tiên cao cho mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia, thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như giữa cá nhân Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với lãnh đạo cấp cao Campuchia.

Tại Trụ sở Quốc hội Campuchia rực rỡ cờ hoa, đông đảo đại diện lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, các nghị sĩ Quốc hội nước bạn. Chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội nước ta duyệt Ðội danh dự. Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo Quốc hội và các thành viên chính thức tiến hành hội đàm, với rất nhiều nội dung quan trọng.

Ngay hôm đầu tiên đến thăm, các quan khách hai nước đã tham dự Lễ khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia - quà tặng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Ðây là công trình biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia được Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Ðảng, Nhà nước và nhân dân Campuchia nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2017 và được khởi công xây dựng vào tháng 12/2021.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Quốc hội Campuchia bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Ðảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam anh em đã ủng hộ và viện trợ cho việc xây dựng công trình rất ý nghĩa này. Bà cho biết tòa nhà hành chính mới này bổ sung thêm và đáp ứng nhu cầu thực tế của Quốc hội Campuchia, góp phần vào nhu cầu cải cách quản trị, phát triển nguồn nhân lực, nghị viện số và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội Campuchia trong nhiều năm tới.

Samdech Techo Hun Sen và các nhà lãnh đạo Vương quốc Campuchia nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia lần đầu tiên trên cương vị mới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội góp phần củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa hai nước.

Tham gia Ðoàn công tác, trao đổi với các phóng viên, Phó Thủ tướng Hồ Ðức Phớc cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia vừa qua đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên ngày càng tăng. Thị trường nước bạn rất tiềm năng, với các sản phẩm như hạt điều, cao su, khoáng sản...

Chính phủ Campuchia cũng đã thực hiện các vấn đề về cơ chế thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp được giữ lại, hay cơ chế tạo điều kiện xây nhà ở cho công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp... Chung quanh nhiều nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ hai nước tiếp tục trao đổi, làm việc để thống nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư ở Campuchia.

Ðánh giá kết quả chuyến công tác, theo Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, trong tất cả các cuộc tiếp xúc cấp cao hai bên, các nhà lãnh đạo bạn đều đánh giá cao bước phát triển của Việt Nam. Ðiều đáng mừng là thời gian qua, kim ngạch thương mại của hai nước đạt mức độ phát triển vượt bậc. Việt Nam sẽ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ðiều đó cho thấy với Campuchia, các bạn đánh giá Việt Nam là thị trường rất quan trọng với trên một trăm triệu dân, có nhiều tiềm lực hợp tác to lớn.

Các nhà lãnh đạo hai nước đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị lịch sử của quan hệ Việt Nam-Campuchia và thống nhất cao cần đẩy mạnh đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục để nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết, nhận thức đúng đắn về quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước, kiên quyết không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Những ngày trên đất nước Campuchia tươi đẹp, các đại biểu quốc tế và du khách các nước dễ dàng bắt gặp hình ảnh các thiếu nữ duyên dáng với điệu múa apsara bên các ngôi đền cổ yên bình bên dòng sông Mê Công. Theo truyền thuyết, apsara là các nàng tiên mây và nước trong truyện kể dân gian. Người dân Campuchia suy tôn apsara là Nữ thần Thịnh vượng.

Biểu tượng điệu múa apsara, cánh chim câu hòa bình và cả loài hoa Romdoul được tôn vinh là quốc hoa của Vương quốc Campuchia được cách điệu ấn tượng trên các pano, áp-phích và trong khán phòng lớn của hội nghị tầm cỡ quốc tế thu hút sự tham dự của hàng trăm đại biểu thuộc các đảng chính trị đến từ 49 quốc gia châu Á, châu lục khác và các tổ chức khu vực, quốc tế...

Chủ tịch Quốc hội nước ta những ngày qua có các bài phát biểu quan trọng khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của các tổ chức quốc tế, khu vực trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực.

Sáng qua, Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) diễn ra tại khách sạn sang trọng rộng lớn bên bờ sông Mê Công. Chia sẻ trước gần 200 đại biểu là lãnh đạo nghị viện, nghị sĩ các nước và các tổ chức nghị viện khu vực, thế giới đến từ 58 nghị viện thành viên và nghị viện khách mời, đối tác, trong đó có 11 Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Tổng Thư ký IPU, Tổng thư ký ASEAN, Tổng Thư ký AIPA..., Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình với truyền thống bao dung, nhân nghĩa, hòa hiếu.

“Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, ổn định, hữu nghị để mỗi người dân đều được hưởng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc...”. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng: Nghị viện và các nghị sĩ sẽ đóng vai trò tích cực và có tiếng nói quan trọng trong việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật, xây dựng lòng tin và tôn trọng lẫn nhau, cùng tìm ra giải pháp hòa bình bền vững cho các tranh chấp trong khu vực cũng như các thách thức toàn cầu cấp bách hiện nay.

Nguồn: Nhân dân