Vài nét nhỏ về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngoại giao

05:34 | 25/05/2025
Ông Trần Đức Lương đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó nhiều trọng trách lớn lao trong suốt quá trình công tác, đặc biệt là hai nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1997-2006)
Vài nét nhỏ về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngoại giao
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc báo tại phòng làm việc ở Phủ Chủ tịch, năm 2004. (Ảnh tư liệu TTXVN)
 
Mở nhiều “cánh cửa” mới
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã để lại những dấu ấn sâu sắc trên lĩnh vực ngoại giao, với tinh thần đối thoại, hợp tác và xây dựng quan hệ quốc tế hòa hiếu, chân thành.
 
Thời gian tại nhiệm của ông là lúc đất nước bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ trong việc mở rộng quan hệ quốc tế, ông đã thực hiện rất nhiều chuyến thăm chính thức đến các quốc gia bạn bè trên thế giới, từ các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, những đối tác chiến lược và hữu nghị ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi. Ở bất kỳ điểm đến nào, ông cũng thể hiện trọn vẹn tinh thần của một nhà lãnh đạo quốc gia đề cao lòng tin, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.
 
Các chuyến thăm song phương, đa phương của Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó đều là những sự kiện lớn, với nhiều hoạt động chính trị và kinh tế mang tầm vóc lịch sử.
 
Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự lễ ký Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ ngày 18
 
Trước các chuyến thăm, ông bao giờ cũng làm việc với Đại sứ các nước tại Việt Nam và với lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan. Sự chuẩn bị chu đáo - đặc biệt là về các thông tin liên quan - là điều vô cùng cần thiết, cũng là nét đặc trưng trong phong cách làm việc của ông: đặc biệt nghiêm túc và cẩn trọng. Chủ tịch nước ý thức rất rõ trọng trách mà mình phải hoàn thành, đặc biệt là những khi thay mặt Nhà nước và nhân dân thực hiện những chuyến thăm kiếm tìm sự hợp tác từ bên ngoài. Thái độ nghiêm túc thường trực ở ông trong suốt cuộc hành trình, trải qua hàng trăm sự kiện, mà sự kiện nào cũng đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác, di chuyển liên tục, nhưng tất cả đều đạt kết quả tích cực.
 
Các cán bộ ngoại giao tháp tùng ông thời đó kể lại, sau các sự kiện quan trọng có kết quả, dễ thấy được giá trị của sự hài lòng và cảm giác thanh thản của Chủ tịch nước, ông thoải mái ngồi xuống bên bàn cờ tướng để di chuyển những quân cờ cùng với người cảnh vệ tới hơn nửa đêm. Những chuyến thăm khắp năm châu của Chủ tịch nước đã mở ra nhiều “cánh cửa” trên các lĩnh vực hợp tác mới, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu của đất nước về chính trị, kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, cùng với những hoạt động đối ngoại quan trọng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của đất nước khi đó, đã đặt nền móng cho những bước phát triển hiện nay và sau này của đất nước.
 
Đã nhiều lần, trong những buổi gặp gỡ nói chuyện với toàn ngành ngoại giao, hay thương mại, hay trong những buổi tiếp các Đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước là phải xây dựng cho được những cơ quan đại diện, những trung tâm thương mại lớn tại các thị trường quan trọng. Đây sẽ chính là những đầu mối để nâng tầm chính trị đất nước với thế giới, xúc tiến thương mại, tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa - sản phẩm của người lao động Việt Nam đi thế giới; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
 
Những “cánh cửa” mới đã mở, chứng minh bằng những hiệu quả thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển ngày càng vững chắc của đất nước.
 
Vài nét nhỏ về Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngoại giao
Chủ tịch nước Trần Đức Lương chụp ảnh chung cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Busan, Hàn Quốc, ngày 19/11/2005. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc)
 
Vì mục tiêu thiên niên kỷ
Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, ông Trần Đức Lương đã đại diện cho Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị cấp cao APEC, các kỳ hội nghị ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết… thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh của một nguyên thủ quốc gia, góp phần xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kiên định nguyên tắc, luôn cởi mở trong thời kỳ đầu của hội nhập quốc tế.
 
Tháng 9/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến New York dự Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và cùng với 189 vị nguyên thủ quốc gia, tán thành và thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện các mục tiêu phát triển vào năm 2015. Tuyên bố Thiên niên kỷ đưa ra một nhóm chương trình nghị sự mang tính toàn cầu cho thế kỷ XXI và bao gồm rất nhiều mục tiêu cụ thể. Rồi tới cuối năm 2005 khi tròn 5 năm thực hiện những cam kết về các mục tiêu thiên niên kỷ, nguyên thủ các nước thành viên lại có mặt tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để xem xét các kết quả thực hiện và nêu ra những giải pháp tiếp theo.
 
Thực hiện những cam kết thiên niên kỷ, khi cùng với các bộ, ngành thăm các địa phương cơ sở, Chủ tịch nước đã chỉ ra các giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là các vùng đồng bào còn khó khăn. Đó là các vấn đề về giao thông, quy hoạch hạ tầng sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển công nghiệp chế biến, trồng và khai thác hợp lý trong lâm nghiệp; hoặc những vấn đề về chính sách hỗ trợ, về thị trường, về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, vai trò của chính quyền và các ngành…
 
Theo những đồng chí trực tiếp giúp việc Chủ tịch nước kể lại, đi thăm cơ sở, ông dành chủ yếu quỹ thời gian tiếp xúc với nhân dân địa phương, tìm hiểu cách làm ăn của người trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản, việc học của học sinh các trường dân tộc nội trú, kiểm tra tiến độ xoá nhà tạm bợ; thăm bệnh nhân ở các bệnh viện, các trung tâm cai nghiện ma tuý, bệnh nhân HIV/AIDS...
 
Chủ tịch nước khẳng định: “Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường, nhưng phải với định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng yếu tố xã hội để phát triển bền vững, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Tuy nhiên, để hài hoà được hai yếu tố đó là không dễ, nhưng dứt khoát chúng ta phải làm”. Ông yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền coi trọng thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể trong vận động nhân dân tham gia.
 
Vài nét nhỏ về Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngoại giao
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc thông điệp chào Thiên niên kỷ mới và chúc mừng năm mới 2000 tại Hà Nội, ngày 1/1/2000. (Nguồn: TTXVN)
 
Ông yêu cầu các bộ, ngành: Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ cần đề cập tất cả mục tiêu, cả những mục tiêu có tính quốc tế mà Việt Nam tham gia, như đóng góp cho hoà bình, an ninh quốc tế, quan hệ Bắc - Nam, Nam - Nam, đến những vấn đề về nhân quyền, tôn giáo, chống khủng bố... đề cao vai trò và sự giúp đỡ của quốc tế. Báo cáo phải thống nhất cao về các chuẩn mực thực hiện, theo hướng phản ánh thực chất các kết quả chứ không chạy theo thành tích; phải rà soát lại tất cả số liệu để tiếp cận hiện thực, loại bỏ những yếu tố tô hồng để có thành tích hoặc chưa xác đáng, thậm chí ngay trong những lĩnh vực chúng ta có thành tích lớn... Mấy thập kỷ qua chúng ta rất thành công trong xoá đói giảm nghèo, quốc tế thừa nhận, nhưng tỷ lệ phần trăm người nghèo chúng ta công bố theo tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn quốc tế? Nếu theo tiêu chuẩn quốc tế thì tỷ lệ người nghèo ở ta còn cao, thành tích có vẻ kém đi, nhưng mọi vấn đề vẫn phải nhìn nhận thực chất, cầu thị, chỉ có như vậy chúng ta mới có được cái nhìn hiện thực làm cơ sở để tư duy về giải pháp và nỗ lực vươn lên. Cần làm tăng thêm một bước nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, tạo được dư luận xã hội, để mỗi ngành và mỗi người thấy được vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện các mục tiêu này.
 
Ông tâm sự: “Tôi đi thăm một số địa phương, nghe báo cáo tỷ trọng công nghiệp dịch vụ trong cơ cấu kinh tế có khi lên đến 80 hoặc 90%... Tôi đồng ý nhưng luôn nhấn mạnh rằng: Nếu chỉ dừng ở tỷ trọng giá trị trong cơ cấu kinh tế thì chưa phản ánh đúng thực trạng, dễ bị ru ngủ, cần gắn với tỷ trọng sử dụng lao động trong cơ cấu kinh tế (thường vẫn chiếm tới 60 đến 70% lao động nông nghiệp) mới biết cần phải làm gì”. Chủ tịch nước lưu ý Chính phủ và các bộ, ngành trong chỉ đạo công việc tiếp theo.
 
Hình ảnh và phong cách của người đứng đầu đoàn Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, trong các cuộc tiếp xúc và làm việc với nguyên thủ các nước, luôn toát lên sự tỉnh táo, dứt khoát; nhưng khi gặp gỡ nhân dân, chiến sĩ cả nước lại luôn gần gũi, giản dị và chân thành, như một điểm tựa tinh thần vững chắc, truyền cảm hứng và niềm tin cho mọi người.
 
Giờ đây, khi ông đã yên nghỉ, những chặng đường ngoại giao mà ông từng đi qua vẫn còn in dấu sâu đậm trong ký ức của bạn bè quốc tế và nhân dân Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần mở rộng cánh cửa hội nhập, góp phần kiến tạo nên hình ảnh Việt Nam thân thiện, năng động và đầy bản lĩnh trên trường quốc tế như ngày nay.
 
Ông ra đi, nhưng những giá trị ngoại giao vì hòa bình và hợp tác mà ông theo đuổi sẽ tiếp tục soi đường cho các thế hệ mai sau.

 

Nguồn: Thế giới & Việt Nam