Hội diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Châu Âu: truyền lửa văn hóa cho thế hệ thứ hai, thứ ba

02:10 | 17/05/2025
'Là người đi trước, chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực nếu cộng đồng ở đâu có nhu cầu tổ chức các hội diễn nghệ thuật truyền thống'.
 Hội diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Châu Âu: truyền lửa văn hóa cho thế hệ thứ hai, thứ ba

Ông Phạm Gia Hậu phát biểu tại cuộc họp báo về Hội diễn, ngày 8/5/2025 tại Praha, CH Séc

Như chúng tôi đã đưa tin, Hội diễn Nghệ thuật truyền thống Việt Nam toàn châu Âu lần thứ 2 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 30/8 tại thủ đô Praha, CH Séc, hứa hẹn trở thành một ngày hội văn hóa lớn, góp phần kết nối cộng đồng người Việt tại châu Âu và lan tỏa các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đặc biệt, Hội diễn lần này chú trọng đến việc truyền lửa văn hóa cho thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng người Việt tại châu Âu, tạo cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận, học hỏi và giao lưu với những giá trị nghệ thuật truyền thống quê hương.

Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Phạm Gia Hậu - Chủ tịch Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Ủy viên BCH Hội người VN tại Châu Âu về nội dung này.

PV: Ông có thể cho biết ý tưởng khởi xuất Hội diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại châu Âu?

Ông Phạm Gia Hậu: Cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu và Hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Cộng hòa Séc nói riêng đã có rất nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều những loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam được UNESCO công nhận, cũng như là của các vùng miền. Có rất nhiều những dự án chúng tôi cần phải triển khai, ví dụ như dự án quảng bá áo dài đã làm từ năm 2018. Việc bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam cho thế hệ trẻ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng là một trong những điều mà chúng tôi rất trăn trở. Sau chương trình Hoa hậu áo dài phu nhân 2022 toàn châu Âu thành công, chúng tôi tính đến những hoạt động có chiều sâu, đó là những năm chẵn thì chúng tôi làm chương trình quảng bá áo dài, và năm lẻ thì chúng tôi tổ chức bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống. Và như vậy, một năm chúng tôi lại có một sự kiện lớn ngoài những hoạt động như là mừng ngày thống nhất 30/4, Quốc khánh 2/9, giải phóng Thủ đô 10/10, kỉ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12, rồi quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10... Có rất nhiều hoạt động diễn ra nhưng chúng tôi lấy việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam làm kế hoạch cho hoạt động của Hội văn hóa nghệ thuật. Và đó là lý do mà chúng tôi quyết tâm khởi động tổ chức Hội diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại châu Âu lần thứ nhất năm 2023.

PV: Năm 2025 này, Hội diễn đã được tổ chức lần thứ 2. Vậy những thành công của lần 1 như thế nào?

Ông Phạm Gia Hậu: Thành công của năm 2023 là chúng tôi đã tập hợp được các câu lạc bộ như hát xoan, ví dặm, quan họ Bắc Ninh, rồi có những tiết mục tham gia mà mang tính chất giao lưu của các đơn vị, ví dụ như chèo của Hội đồng Hương Thái Bình, hay nhã nhạc cung đình Huế, hát then đần tính của Thái Nguyên. Và điều mà chúng tôi trăn trở nhất, đó là việc kết nối với thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng cùng tham gia vào chương trình văn hóa nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi phải là người thắp lửa cho các con, tiếp cho các con đi theo đam mê đó của bố mẹ. Đó cũng là thành công của Hội diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại châu Âu lần thứ nhất, thu hút được sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ gốc Việt.

PV: Hội diễn lần thứ 2 này sẽ có những điểm khác biệt gì so với lần đầu tiên tổ chức, thưa ông?

Ông Phạm Gia Hậu: Lần trước, chúng tôi chỉ chú trọng 5 loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận, đó là dân ca ví giặm, quan họ Bắc Ninh, hát xoan, nhã nhạc cung đình Huế và đàn ca tài tử. Đến lần này, chúng tôi mở rộng thêm ngoài 5 loại hình đó còn có hát chèo và hát then - đàn tính. Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn rằng trong 2 năm nữa, nếu hội đủ các điều kiện thì chúng tôi sẽ mở rộng thêm các loại hình nữa như là bài chòi, hò sông Mã v.v...

Hội diễn văn hóa nghệ thuật toàn châu Âu lần thứ nhất không có sự tham gia của các nghệ sĩ từ trong nước sang, nhưng lần này chúng tôi có 8 nghệ sĩ là các nghệ sĩ đầu ngành của các loại hình nghệ thuật truyền thống, thuộc Trung tâm bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam do Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan làm giám đốc, trực thuộc Hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn APA.

PV: Ông có thể chia sẻ về kỳ vọng của những người tổ chức Hội diễn?

Ông Phạm Gia Hậu: Là những người tổ chức, chúng tôi mong muốn Hội diễn lần này sẽ thành công, đi sâu vào cộng đồng. Các nghệ sĩ đầu ngành như NSND Thanh Ngoan, NSND Thúy Hường, NSND Hồng Liệu, nhà soạn giả - nhà báo Mai Văn Lạng, rồi đạo diễn, NSND của Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Nghệ An Nguyễn An Ninh, cho đến NSND Diệu Hương - người chuyên hát ca Huế, NSND Việt Hương... sẽ gặp gỡ các Hội đồng hương, các đơn vị đang có những sinh hoạt giao lưu nghệ thuật truyền thống, để các thế hệ thứ hai, thứ ba được nghe, được tiếp nhận và cảm thụ một cách gần gũi hơn. Những bậc phụ huynh cũng sẽ hiểu hơn để có thể bồi dưỡng kiến thức cho các con của mình. Về sau rồi, khi các nghệ sĩ đã trở về nước thì vẫn tiếp tục có sự kết nối, hỗ trợ. Các bạn trẻ khi về nước cũng có thể tìm đến các Trung tâm để học thêm, không chỉ các kiến thức cơ bản mà còn là những kinh nghiệm xương máu của những người đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật.

Lần này, Hội diễn được tổ chức tại CH Séc, nhưng cũng mong các nước trên toàn Châu Âu sẽ tổ chức những hội như thế này. Là người đi trước, chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực nếu cộng đồng ở đâu có nhu cầu, làm sao cho ở đâu cũng tổ chức được hội diễn nghệ thuật truyền thống. Có như vậy thì nghệ thuật truyền thống của Việt Nam mới phát triển rộng khắp và trường tồn trong thế hệ thứ 2, thứ 3 của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!

Nguồn: VOV