Phát huy nguồn lực trí thức Việt tại Anh và Ireland
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà lưu niệm cho GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland, ngày 5/5/2023 tại thủ đô London. (Ảnh: NVCC)
Kể từ khi thành lập cách đây ba năm, Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland đã tổ chức thành công rất nhiều hội thảo và sự kiện chia sẻ về khoa học, công việc, giúp đỡ các thành viên trẻ trong nghiên cứu khoa học và tìm quỹ nghiên cứu bên Anh, cũng như kết nối và xây dựng quan hệ hợp tác Việt Nam-Anh, Việt Nam-Ireland.
Khẳng định vị thế của trí thức Việt
GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland cho biết, Hội được thành lập vào tháng 12/2020 với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Ireland, được công nhận của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Từ khoảng 40 thành viên ban đầu, tới nay, Hội đã có hơn 120 thành viên, gồm 14 giáo sư, 35 phó giáo sư, còn lại là giảng viên cao cấp, giảng viên, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ làm việc trong hơn 30 ngành nghề (tài chính, ngân hàng, công nghệ, luật, báo chí, môi trường, giáo dục...) tại gần 70 trường đại học ở Anh và Ireland.
Ban chấp hành của Hội gồm Chủ tịch là GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn, Đại học Middlesex London, hai Phó Chủ tịch là PGS.TS Đoàn Xuân Vinh, Đại học Warwick và TS. Đặng Quế Anh, Đại học Conventry cùng tám thành viên khác đang làm việc trong các trường ở khắp các vùng miền của Anh và Ireland.
Hội cũng vinh dự được GS. Jonathan Van-Tam, một người Anh gốc Việt, nổi tiếng với những thành tích khoa học và lãnh đạo trong thời kỳ Covid-19 làm Chủ tịch danh dự.
GS Jonathan Van-Tam đã có nhiều đóng góp cho Hội thông qua các bài giảng và chia sẻ hằng năm. Ngoài ra, Ban tư vấn của Hội là các Đại sứ và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Anh và Ireland, đóng vai trò kênh thông tin trực tiếp để kết nối Hội với ban, ngành và Chính phủ Việt Nam.
Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn, trước khi thành lập Hội, cộng đồng người Việt làm việc trong giới học thuật và nghiên cứu khoa học Anh và Ireland khá đông đảo, song các hoạt động kết nối và hợp tác với Việt Nam ở mức độ cá nhân riêng lẻ.
Nhận thấy sức mạnh tập thể sẽ làm được việc có ích hơn nhiều, Hội đã được thành lập vào năm 2020. Vị trí của Hội càng ngày được nâng cao vì các thành viên là những người am hiểu và có kết nối với cả hai nước, nên dễ dàng tìm được lĩnh vực cần thiết để kết nối hợp tác.
GS.TS. Nguyễn Xuân Huấn chia sẻ: “Rất nhiều các giáo sư và phó giáo sư của Hội có vị thế và uy tín khoa học cao tại Anh và Ireland. Thông qua đó, Hội có cơ hội tham gia trao đổi và đối thoại với các lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một cộng đồng trí thức mạnh, người đi trước với nhiều kinh nghiệm sẽ chia sẻ với người đi sau, điều này được các thành viên trẻ rất ủng hộ, nên số lượng thành viên tăng mạnh từ khi thành lập”.
Hội đã kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam, các hội, đoàn khác tại Anh và Ireland tổ chức các sự kiện, các hoạt động cộng đồng.
Các trường đại học cũng như các tổ chức chính phủ ở Anh và Ireland bắt đầu thấy vai trò của Hội trong việc kết nối hợp tác về giáo dục và hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam.
Có thể nói, vai trò của Hội ngày càng lớn mạnh, mặc dù thời gian thành lập đến nay không lâu, phần lớn trong thời kỳ Covid-19. Hội nỗ lực thúc đẩy kết nối và phát triển cộng đồng người Việt ở Anh và Ireland, đồng thời luôn hướng về Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực, như cố vấn cho các bạn trẻ, đặc biệt các bạn nghiên cứu sinh hoặc đang muốn làm nghiên cứu sinh.
Nhiều thành viên đi trước của Hội có thể truyền tải lại kinh nghiệm cho người đi sau (thành công hay thất bại, kinh nghiệm làm dự án, công việc, xây dựng phòng thí nghiệm, nghiên cứu...). Hội cũng kết nối với nhiều trường đại học, các doanh nghiệp, công ty công nghệ Việt Nam.
Các tin bài khác